
Trước và sau khi Phan Thị Yên Phương (sinh năm 1973, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Phú) bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội bắt tạm giam về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vào tối 16-2, báo SGGP đã nhiều lần đăng tin, bài về thủ đoạn mua hàng quỵt tiền của vị nữ giám đốc chuyên lừa đảo này. Thông tin mới nhất từ cơ quan công an là cho đến nay, có hơn 10 nạn nhân tố cáo bị Phan Thị Yên Phương chiếm đoạt tiền, trong đó có nạn nhân bị lừa ngay trong ngày 30 Tết.
- Giao trứng cho ác

Phan Thị Yên Phương (áo sọc, bìa trái) tại cơ quan điều tra. Trên bàn là những con dấu giả Phương đặt làm.
Tối 8-2 (nhằm 30 Tết), theo lời hẹn, anh Phạm Văn Dũng (chủ một cửa hàng bán gạo ở phường 22 quận Bình Thạnh) tìm Phan Thị Yên Phương để nhận tiền thanh toán 22 bao gạo, mỗi bao 50kg mà anh đã giao đến Nhà hàng Hương Lúa ở số 65/4A Nguyễn Oanh phường 17 quận Gò Vấp theo yêu cầu của Phương trước đó vài ngày.
Chờ hoài không thấy ai thanh toán tiền, Phương thì lặn đâu mất tăm trong khi đó đã là ngày cuối năm, sinh nghi nên anh Dũng đi hỏi thăm các hộ dân xung quanh. Đến lúc này anh mới hay rằng mình đã “đụng” phải trùm lừa đảo vốn nổi tiếng về thủ đoạn “mua cháo nhưng không trả tiền”. Ngay lập tức, anh Dũng đến Công an phường 16 quận Gò Vấp trình báo sự việc. Nhờ cơ quan công an can thiệp anh mới lấy lại được số gạo của mình.
Tính ra anh Dũng vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Đến nay, đã có hơn 10 người dân đến cơ quan công an trình báo về việc bị Phương lừa với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Thủ đoạn lừa đảo thứ nhất của Phương là tìm đến các công ty, cửa hàng mua hàng với lời hứa thanh toán ngay khi nhận được hàng, rồi sau đó bỏ trốn. “Giao trứng cho ác”, các chủ hàng bị mất hàng mà không nhận được đồng bạc nào.
Cụ thể, Công ty TNHH Hương Thủy (quận Tân Bình) mất lô sữa Anlene trị giá hơn 48 triệu đồng; đại lý bia, nước ngọt Dư Nguyên (quận 6) mất bia, nước ngọt trị giá hơn 25 triệu đồng; bà Nguyễn Ngọc Sương mất vải may trị giá 21 triệu đồng… Thủ đoạn lừa thứ hai của Phương là giả bộ mua bán nhà với nhiều cá nhân, sau đó mượn hồ sơ nhà đi thế chấp vay tiền ngân hàng trong khi chưa trả hết tiền mua nhà, hoặc nhận gần đủ tiền bán nhà nhưng lại không giao nhà. Chưa hết, khi cho thuê nhà, Phương giao chìa khóa giả cho người thuê dù đã nhận đủ tiền thuê.
- Muốn con dấu nào cũng có
Ngoài hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Phan Thị Yên Phương còn bị khởi tố về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Khám xét nhà ở và nơi làm việc của Phương, cơ quan công an đã thu giữ nhiều giấy tờ, công văn của cơ quan Nhà nước có dấu hiệu cạo sửa số hiệu văn bản, ngày, tháng, năm chính quyền địa phương chứng thực cũng như nhiều phiếu thu, chi, hợp đồng thế chấp nhà có chữ ký khống. Nhưng như vậy cũng chưa là gì so với 26 con dấu giả mà cơ quan công an tìm được. Đó là con dấu của các nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa 175, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm MEDIC và một số dược sĩ, công ty.
Tại cơ quan điều tra, Phương thừa nhận đó là những con dấu của mình đặt làm, nhưng chỉ… để “đóng chơi” trên biên lai mà thôi! Hành vi của Phương đã đầy đủ dấu hiệu tội phạm. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành làm rõ một số lời tố cáo về việc Phương giả mạo hồ sơ lý lịch của ông Nguyễn Thành Long (nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Phú, đã nghỉ hưu) để xin thành lập Công ty TNHH Dược phẩm Phương Đạt; giả mạo công văn của UBND quận Gò Vấp chấp thuận cho Phương mở Nhà hàng Hương Lúa.
Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Nữ giám đốc “lừa” sẽ phải trả lời trước pháp luật về hàng loạt hành vi phạm tội của mình.
ÁI CHÂN