Nuôi con đừng nhìn sang nhà hàng xóm

Đó là tên của cuộc tọa đàm về chăm sóc trẻ em trong thời đại ngày nay giữa bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy và tác giả Uyên Bùi nhân dịp tái bản cuốn sách có nhan đề khá đặc biệt Để con được ốm.
Con trẻ luôn cần sự nuôi dưỡng tâm hồn hàng ngày của người lớn
Con trẻ luôn cần sự nuôi dưỡng tâm hồn hàng ngày của người lớn
Cả sách cũng như tọa đàm đều hướng về một thực tế hiện nay là rất nhiều bậc phụ huynh đang có quá nhiều lựa chọn trong việc chăm sóc trẻ, đến mức không biết đâu là điều tốt nhất cho con mình.
Để con được ốm
Tác giả Uyên Bùi là gương mặt quen thuộc của cộng đồng làm cha mẹ qua những bài viết chia sẻ về chăm sóc và giáo dục con theo phương pháp “Unschooling”, còn bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn là “ông bụt” của các bà mẹ có con trong độ tuổi từ 0 - 5 khi mở trang chuyên giải tỏa mọi khúc mắc của các bậc cha mẹ trong hành trình chăm sóc con trẻ khoa học và khỏe mạnh. Bác sĩ Đoàn nguyên là Phó Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện là Trưởng khoa Nhi, Hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare. 
Chính vì vậy, Để con được ốm với sự chung tay của cả hai tác giả trên được xem là cuốn sách kết hợp giữa chuyên ngành y khoa cùng điều kiện chăm sóc con thực tế tại mỗi gia đình. Cuốn sách ra mắt lần đầu năm 2016 và đã nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách chăm sóc sức khỏe trẻ em bán chạy nhất. Ở lần tái bản này, sách cập nhật hàng loạt thông tin mới, trong đó, quan trọng nhất là những vấn đề thời sự trong việc chăm sóc trẻ hiện nay. Tiêu biểu như vai trò thực sự của sữa mẹ, lúc nào tốt và lúc nào không tốt; vấn đề dậy thì sớm ở trẻ; nỗi lo về béo phì, đề kháng kháng sinh, các bệnh viêm cấp... Những câu chuyện cụ thể từ một người mẹ và sự tư vấn rõ ràng, kỹ càng từ một bác sĩ chuyên môn được cho là sẽ giúp các bậc phụ huynh hay người chăm sóc trẻ cảm thấy tự tin hơn trong việc tìm được điều thực sự tốt cho con trẻ.
Trong cuốn sách, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn chia sẻ: “Cần có sự kiên nhẫn giải thích hay thuyết phục của bác sĩ cùng sự thông hiểu và hợp tác từ phía gia đình bé. Đôi khi, sự hợp tác và hiểu biết của phụ huynh còn quan trọng hơn nỗ lực (hay thời gian) của bác sĩ giải thích nữa. Việc lo lắng là không thể tránh khỏi, tuy nhiên sự lo lắng không giúp gì cho bệnh của trẻ. Chỉ có kiến thức chăm sóc bệnh đúng mới giúp ích cho trẻ. Và hẳn là các bé sẽ hạnh phúc biết bao khi được tôn trọng “Quyền được bệnh”. 
Nhìn sang nhà hàng xóm
Không phải ngẫu nhiên một cuốn sách chăm sóc trẻ em được chú ý đến. Trên thực tế, cuốn sách này đã thể hiện một vấn đề nóng trong việc chăm sóc trẻ em hiện nay ở các gia đình, đó là sự hỗn loạn thông tin. Trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, mọi thứ đều có thể tìm thấy trên mạng và các phụ huynh khi thấy con em mình bị ốm, vì lo lắng, đã thử nghiệm đủ loại biện pháp “chữa bệnh” mà họ tiếp nhận được trên mạng, theo các lời khuyên xung quanh theo kiểu “nhìn sang nhà hàng xóm”, thấy họ làm sao thì bắt chước bất chấp sự khác biệt về bệnh tật. Cách đây không lâu, trên trang của bác sĩ Đoàn có đề cập đến trường hợp 1 cháu bé bị ho, mẹ bé nghe theo lời khuyên đã quấn tỏi để chườm nhằm giảm ho. Ho không giảm mà bé còn phải nhập viện do chỗ quấn tỏi bị phồng rộp. 
Tác giả Uyên Bùi tâm sự: “Tôi vẫn mong mọi người cũng sẽ mỉm cười được như tôi mỗi khi nghe ai đó chặc lưỡi chê con gầy, sẽ đạt được “công lực” ngồi không mà chờ mỗi khi con nhiễm siêu vi thay vì tìm mọi cách để trị triệu chứng cho con. Để con được ốm chính là đơn giản như thế đấy! Thật khó để có thể thay đổi chỉ trong phút chốc, nhưng tôi hy vọng những câu chuyện nho nhỏ được kể trong cuốn sách này sẽ giúp các cha mẹ cảm thấy mình không đơn độc, để hiểu rằng mọi cha mẹ trên đời đều phải qua “lò luyện tạo” mới có thể bình tĩnh, tự tin mà lớn lên cùng con”. 
Nuôi con bằng kiến thức
Cũng là một chuyên gia trong việc chăm sóc trẻ em, Th.S-BS Nguyễn Xuân Đạt, đề cập đến một thực tế hiện nay là tình trạng chăm con theo “truyền thuyết”. Bác sĩ đưa ra những dẫn chứng trên mạng xã hội lan truyền các truyền thuyết về việc chăm sóc cho trẻ như nhồi trẻ ăn, thực dưỡng có tốt cho trẻ… Hiệu quả của những phương pháp này đều mang tính hẹp, phù hợp cho những trường hợp cụ thể nhưng rất nhiều phụ huynh lại cho rằng chúng đương nhiên có ích cho con họ, từ đó dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho sức khỏe trẻ em. Cùng quan điểm với ý kiến trên, bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy cũng đưa ra những thông tin chuyên môn để làm rõ hơn những thông tin về sữa mẹ đang được lan truyền không đúng trên mạng xã hội, cũng như giải tỏa áp lực tâm lý cho việc nuôi con bằng sữa mẹ cho những người mẹ trẻ. 
Tán đồng những ý kiến trên, bác sĩ Ngô Đức Hùng, tác giả của cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” đưa ra những minh họa thực tế trong việc chăm sóc trẻ em mắc các bệnh thường gặp ở trẻ. Trong đó, mỗi vùng miền có những vấn đề khác nhau như thời tiết ở miền Bắc hiện nay rất khắc nghiệt, ảnh hưởng đến trẻ khác rất nhiều so với thời tiết ở miền Nam.

Tin cùng chuyên mục