Ô tô rơi cảnh chợ chiều

Tháng thứ 4 liên tiếp thị trường ô tô rơi vào cảnh chợ chiều, doanh số bán hàng và giá bán đều giảm mạnh. Liệu dự thảo xin điều chỉnh giảm thuế, phí để “cứu” thị trường ô tô có cải thiện được sự ảm đạm hiện nay? 

Tồn kho lớn

Ghi nhận thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy có khoảng 25 mẫu xe giảm giá. Trong đó, một số xe được người tiêu dùng ưa chuộng lâu nay giảm khá mạnh như Toyota Fortuner, Toyota Innova, Mazda CX-8, Honda CRV, Ford Everest, Explorer đều giảm giá từ 100 triệu đồng lên đến gần 300 triệu đồng/chiếc.

Mới đây, hãng xe Volswagen đã điều chỉnh giảm giá 2 sản phẩm Tiguan Allspace và Passat lên đến hơn 200 triệu đồng.

“Giá xe giảm mạnh nhưng vẫn không có khách hàng. Trước đây, chỉ tiêu bên công ty giao mỗi tháng trên 10 chiếc chúng tôi đều bán vượt, có thu nhập ổn định. Nhưng từ đầu năm đến nay mỗi tháng chỉ bán được 1, 2 chiếc, thậm chí tháng 4 không bán được chiếc nào, nên thu nhập giảm mạnh”, anh Trần Minh Thống, nhân viên một cửa hàng bán ô tô trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), cho biết.

Hầu hết cửa hàng ô tô vắng khách dù giá đã giảm sâu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý dè chừng của người tiêu dùng.

Ô tô rơi cảnh chợ chiều ảnh 1 Ô tô mới tại một bãi xe ở huyện Nhà bè (ảnh chụp ngày 6-5). Ảnh: CAO THĂNG
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA), tính đến hết tháng 3-2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, trong khi xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số của hầu hết các thành viên VAMA đều giảm mạnh.

Cụ thể, Thaco giảm 29%; Toyota Việt Nam giảm 28%; Honda Việt Nam giảm 39%; Ford Việt Nam giảm 48%... so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy, những tháng đầu năm chỉ số tồn kho ô tô tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng tồn kho tăng nhanh đồng nghĩa với doanh số bán xe của các hãng giảm mạnh, lợi nhuận giảm, chi phí sản xuất tăng cao.

Theo nhận định của giới chuyên môn, thời gian tới, các hãng chắc hẳn sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán để duy trì doanh số bán hàng; còn thị trường ô tô có sôi động trở lại hay không phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 và chính sách điều hành giảm thuế, phí của Chính phủ.

Cần giảm giá thêm để cạnh tranh

Trên thực tế, ngoài tác động của dịch Covid-19, thông tin sắp tới thuế, phí ô tô sẽ được điều chỉnh giảm đã phần nào tác động tiêu cực đến thị trường, do tâm lý người tiêu dùng đang chờ đợi.

Theo đó, Bộ KH-ĐT đã trình dự thảo tới Chính phủ, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô trong nước.

Bộ Công thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô trong nước tại Việt Nam, dự kiến trình trong tháng 5. Trước đó, VAMA có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô và lệ phí trước bạ cho người tiêu dùng khi mua xe.

Xung quanh đề xuất nêu trên đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là hiện nay thị trường Việt Nam đang tiêu thụ cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Nếu thông qua đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua ô tô lắp ráp trong nước, các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ gặp bất lợi vì khách hàng mua xe không được hưởng quyền lợi; chưa kể, vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định GATT của WTO.

Ý kiến khác cho rằng, nguồn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Hai quốc gia này đã có gói hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô. Chính vì vậy, thời gian tới, ô tô nhập khẩu về Việt Nam dự báo tiếp tục có điều kiện giảm giá cạnh tranh với xe trong nước.

Cụ thể, tuy vẫn phải chịu mức lệ phí trước bạ 10% - 12% giá bán, nhưng nếu các mẫu xe bình dân nhập khẩu cũng giảm thêm từ 15 triệu đến 60 triệu đồng sẽ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Do đó, để giữ lợi thế thì xe sản xuất lắp ráp trong nước cũng cần giảm giá xuống nữa mới tạo khoảng cách rõ rệt, nhằm cạnh tranh bình đẳng với xe nhập khẩu.

Với mức thu lệ phí trước bạ hiện nay, nếu những kiến nghị nêu trên được Chính phủ thông qua, loại ô tô dưới 9 chỗ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì có mức đóng khá cao (10% - 12%) so với các loại xe khác (6% - 7,2%). Nhờ vậy, giá lăn bánh sẽ giảm vài chục triệu đồng đối với dòng xe phổ thông và lên đến cả trăm triệu đồng với dòng xe sang. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ mang tính chất tình thế, khi thời gian áp dụng gói gọn trong năm 2020. Tương tự, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô được Chính phủ thông qua, giá xe xuất xưởng được giảm khá lớn, tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục giảm mạnh giá bán để kích cầu người mua.  

Tin cùng chuyên mục