Ổn định giá và đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết

Dự báo sức mua trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng cao nên các sở, ngành và doanh nghiệp tại TPHCM đang nỗ lực tăng nguồn hàng, đồng thời cam kết giữ giá ổn định. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt đầu vào của hàng hóa, nhất là thực phẩm cũng được rốt ráo triển khai nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm tết.
Hàng hóa đầy ắp tại các siêu thị
Hàng hóa đầy ắp tại các siêu thị

Nỗ lực giữ giá

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, thành phố có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả (nguồn tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 20%); nhu cầu thịt heo là 230.000 con (thành phố chỉ đáp ứng 8-10%) và khoảng 450.000 tấn thủy hải sản (khả năng tự cung ứng chỉ đạt khoảng 15%)... Do đó, nguồn hàng hóa cung ứng cho người dân thành phố chủ yếu phụ thuộc vào các tỉnh lân cận. Để đáp ứng nhu cầu, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, sở đã tham mưu tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu, liên kết với các tỉnh để chuẩn bị nguồn hàng.

Theo đó, nguồn hàng về TPHCM qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị (khoảng 25-30%), còn lại qua các chành vựa, chợ đầu mối khoảng 70%, với khoảng 7.200 tấn lương thực thực phẩm mỗi đêm. Cũng theo Sở Công thương TPHCM, chỉ riêng 3 chợ đầu mối, dự kiến cận Tết Nguyên đán, lượng hàng nhập về lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày, tăng 80% so với ngày thường. Tại 47 trung tâm thương mại, 240 siêu thị, 3.019 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tổng lượng hàng thực phẩm thiết yếu, lương thực cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù chưa phải cao điểm mùa mua sắm tết nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa, thực phẩm tại các chợ lẻ ở TPHCM đã bắt đầu tăng. Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Thủ Đức (TP Thủ Đức), giá tôm, mực, cá khô tăng 5-10% so với hồi tháng 11. Nhiều tiểu thương cũng thông tin, đầu mối cung cấp nước mắm, nước tương, dầu hào, sa tế… đã báo giá tăng 3.000-5.000 đồng/sản phẩm; giá các loại mì, miến, phở, bún khô cũng tăng 10-15%/thùng. Ngoài ra, nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, cà phê tăng mạnh nhất do giá nhập vào tăng từ 10-20%.

Để giá hàng hóa không đè nặng lên chi tiêu của người dân, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM khẳng định, bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết 2023, các doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố như Vissan, Ba Huân, đặc biệt là hệ thống Saigon Co.op… cam kết không điều chỉnh tăng giá 1 tháng trước tết, 1 tháng sau tết. Đặc biệt, trong 2 ngày cận tết, các doanh nghiệp còn giảm giá sâu mặt số mặt hàng như thịt heo, trứng gia cầm, thịt gà…

Theo Sở Công thương TPHCM, đến nay đã có hơn 30.000 tấn hàng hóa được chuẩn bị để cung ứng. Các doanh nghiệp cũng đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị 40.000 tấn hàng hóa trong 2 tháng phục vụ dịp tết. Cụ thể, các doanh nghiệp đã dự trữ 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, 2.356 tấn dầu ăn, 5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng gia cầm, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 9.255 tấn rau củ quả, 297 tấn thủy hải sản và 1.600 tấn gia vị.

Kiểm soát chặt đầu vào

Cùng với chuẩn bị hàng hóa, việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM cũng được các sở, ngành và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Ban An toàn thực phẩm TPHCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo đó, từ ngày 15-12 đến hết ngày 13-3-2023, Ban An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Đặc biệt, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu…

Về phía các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cũng khẳng định đã và đang chủ động kiểm soát chặt đầu vào của nguyên liệu, hàng hóa trước khi bán ra thị trường. Điển hình như Saigon Co.op, ngoài chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp 1,5 lần sẽ chú trọng kiểm soát nhằm đảm bảo nguồn hàng có chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op luôn nỗ lực hết sức để kiểm soát chặt chẽ nhất chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Saigon Co.op chủ trương chế tài mạnh và có khả năng buộc chấm dứt kinh doanh nếu nhà cung cấp cố ý làm sai, không đảm bảo chất lượng hàng hóa như cam kết.

Tin cùng chuyên mục