
Một ngày sau phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ về vấn đề chất độc da cam/dioxin (CĐDC) Việt Nam, được cho là có chuyển biến tích cực, ngày 17-7 Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt Len Aldis đã gửi email đến Báo SGGP chia sẻ những suy nghĩ của ông về phiên điều trần cũng như mong muốn các bên liên quan đến tội ác này phải chịu trách nhiệm trước những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà các nạn nhân CĐDC Việt Nam và gia đình họ phải gánh chịu.
Tổng Thư ký Len Aldis cho rằng đây là một phiên điều trần để lại ấn tượng tốt bởi không ít người có mặt trong phòng họp ngày 16-7 đã rơi nước mắt khi nghe cô gái trẻ tật nguyền Trần Thị Hoan, nạn nhân CĐDC đầu tiên của Việt Nam có mặt tại một phiên điều trần về CĐDC, kể về câu chuyện của cuộc đời mình. Trước các đại biểu tham dự điều trần cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, cô Hoan đã gửi một yêu cầu khẩn thiết từ sâu thẳm trái tim mình đến các nghị sĩ Quốc hội Mỹ: Công lý cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam.
Ông Len Aldis cho rằng lời yêu cầu đó không chỉ dành cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam mà còn cho những cựu chiến binh Mỹ và gia đình của họ; cho những quân nhân đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới từng tham chiến tại Việt Nam phải chịu những hậu quả nặng nề do chất hóa học giết người để lại.

Tổng Thư ký Len Aldis trong lần đến thăm Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) tháng 11-2008.
Cùng tham gia buổi điều trần còn có bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đã nhiều năm nghiên cứu về những ảnh hưởng của CĐDC đối với người dân Việt Nam.
Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt hy vọng rằng với những chứng cứ rất xác thực từ một người là nạn nhân CĐDC và một người là bác sĩ, Quốc hội, Chính phủ và 2 công ty hóa chất của Mỹ là Monsanto và Dow Chemical (2 trong số 35 công ty sản xuất CĐDC) sẽ hiểu rõ hơn mức độ tàn phá nghiêm trọng mà CĐDC đã gây ra cho người dân Việt Nam.
Giờ đây các công ty hóa chất không thể chối bỏ trách nhiệm hay đổ thừa theo kiểu “chúng tôi chỉ thực hiện theo yêu cầu của chính phủ”. “Cái kiểu lẩn tránh đó đã từng được sử dụng tại một phiên tòa về các nạn nhân của Đức Quốc xã ở Nuremberg nhưng đã bị các thẩm phán bác bỏ. Và sau khi nghe điều trần của 2 nhân chứng, Quốc hội Mỹ phải nhìn đó để làm theo”, ông Len Aldis nói.
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam do đế quốc Mỹ khởi xướng đã cướp đi biết bao sinh mạng người dân Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh ác liệt ấy, hàng ngàn tấn bom đạn đã trút xuống khắp lãnh thổ để đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người Việt Nam trở thành nạn nhân của những “sát thủ giấu mặt” dưới lòng đất. Nhưng 80 triệu lít CĐDC rải xuống miền Nam Việt Nam mới thật sự là một thảm họa nặng nề. Hàng ngàn bào thai chết lưu trong khi hàng ngàn đứa trẻ khác sinh ra với hình thù dị dạng, đau ốm triền miên. Cứ 20 người dân Việt Nam có 1 người bị ảnh hưởng bởi CĐDC và tình trạng này đã kéo dài sang thế hệ thứ 3. Vậy còn bao nhiêu thế hệ nữa sẽ bị ảnh hưởng bởi thứ hóa chất quái ác này?
Theo Tổng Thư ký Len Aldis, những nạn nhân CĐDC, đặc biệt là những nạn nhân Việt Nam, đã chờ đợi công lý quá lâu rồi. Sắp đến Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam (10-8), ông Len Aldis lại một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy chung tay góp sức đấu tranh vì quyền lợi của các nạn nhân CĐDC Việt Nam. “Hãy để năm 2010 là năm công lý được thi hành”, ông Len Aldis nói.
ĐỖ VĂN