Vở kịch Lan và Điệp
Chuyện tình Lan và Điệp nổi tiếng đến mức khán giả nhiều thế hệ nằm lòng câu chuyện này, nhưng Tết 2016 tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh có một Lan và Điệp mới với câu chuyện được thay đổi 180 độ.
Đoàn Thanh Tài và Hoàng Vân Anh trong phiên bản Lan và Điệp 2016
Ngày xưa đó là câu chuyện tình bi thương trong tác phẩm Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Mấy mươi năm qua, Lan và Điệp đã được chuyển thể trên khắp các sân khấu cải lương, kịch, phim truyện, âm nhạc... Chuyện tình chàng học trò nghèo tên Điệp và cô gái con ông Tú làng tên Lan đã lấy đi nước mắt của biết bao khán giả khi số phận trớ trêu đã khiến Điệp phải cam phận nên duyên cùng Thúy Liễu, con gái quan Phủ. Còn Lan quá đau buồn đã cắt tóc, nương thân nơi cửa chùa. Truyện xưa, tích cũ là vậy nhưng nay tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hoàng Thái Thanh đã nhìn câu chuyện dưới một góc nhìn khác biệt và phản biện.
Lan và Điệp vẫn là câu chuyện về đôi trai gái tài sắc yêu nhau, được hai gia đình hứa hôn, chờ ngày nên nghĩa phu thê. Chuyện tình của họ cứ êm đềm trôi qua, cho đến khi Điệp đậu bằng thành chung trở về trong niềm vui thì hay tin ông Tú (ba của Lan) gặp tai nạn cần nhiều tiền chạy chữa. Lúc đó, vì không còn cách nào, anh phải chạy lên nhà ông bà Phủ - vốn là người quen xưa của gia đình, vay nợ. Và đó cũng là khởi điểm cho mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời họ.
NSƯT Thành Hội đảm nhận vai trò đạo diễn khẳng định: “Làm mới lại một tác phẩm đã in sâu vào lòng công chúng nhiều thế hệ và phản biện lại với nguyên tác, mở ra một hướng mới cho số phận nhân vật, chúng tôi chấp nhận những thử thách và chờ đợi những cảm xúc từ khán giả”. Đạo diễn Thành Hội cùng tác giả Hoàng Thái Thanh và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã để nhân vật chủ động với vận mệnh của mình, để họ đối diện và lựa chọn con đường đi của mình: con đường của lẽ sống và tình yêu.
Sự phá cách của phiên bản 2016 mang đến cho Lan và Điệp màu sắc mới, không quá bi lụy như câu chuyện xưa nổi tiếng. Người xem cảm nhận được hình ảnh của Lan (Hoàng Vân Anh) mạnh mẽ, quyết đoán hết lòng vì tình yêu nhưng khi nhận ra bản chất của người mình yêu đã đi đến lựa chọn đúng đắn, hợp lý và hợp cả tình. Điệp (Đoàn Thanh Tài), chàng thư sinh có phần nhu nhược để rồi phải chấp nhận kết cục không như mong muốn. Và cô gái được xem là người thứ 3 xen vào mối quan hệ này: Thúy Liễu tuy vẫn đanh đá nhưng có phần cao thượng, hiểu chuyện.
Cú “ngược dòng” lần này của Sân khấu Hoàng Thái Thanh với mong muốn khán giả trẻ hôm nay sẽ đồng cảm với phiên bản mới này và hy vọng cũng nhận được sự thích thú của nhiều khán giả thế hệ trước đã từng mong chờ Lan và Điệp đi đến một kết cục khác. Tuy nhiên, ngay trong buổi công diễn, một số khán giả lớn tuổi cho rằng sự đổi mới này quá táo bạo và khác biệt so với câu chuyện gốc. Mặc dù vậy, có một điều không thể phủ nhận là sự chỉn chu, cầu toàn của ê kíp thực hiện từ công tác đạo diễn, lựa chọn diễn viên, diễn xuất cho đến trang phục, cảnh trí, âm thanh và ánh sáng đều rất đáng ngợi khen. Trong bối cảnh sân khấu gặp muôn vàn khó khăn, những nỗ lực ấy càng đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Mọi sự khen chê, đón nhận có lẽ phụ thuộc vào cảm quan của mỗi khán giả khi xem tác phẩm lần này.
Cặp đôi Hoàng Vân Anh và Đoàn Thanh Tài không quá xuất sắc nhưng tròn trịa, đặc biệt với một diễn viên tay ngang. Nghệ sĩ Ái Như vai mẹ Điệp với lối diễn như không diễn, biến hóa liên tục từ bi sang hài khiến khán giả thích thú. Vai vợ chồng ông bà Phủ hay vai Thúy Liễu cũng tạo nên sự đồng điệu. Đặc biệt, chàng diễn viên nước ngoài Guillaume Faugere được xem như sự lựa chọn đặc biệt thú vị. Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng đây là tác phẩm đáng chú ý trên sân khấu kịch mùa Tết Bính Thân 2016.
VĂN TUẤN