Phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả cực lớn

Ngày 25-10, Công an TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, các đơn vị nghiệp vụ vừa triệt phá thành công chuyên án, bắt nhóm đối tượng chuyên sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Thanh Hoá phát hiện trên địa bàn có một số đối tượng trao đổi, mua bán hàng hóa là các loại thực phẩm chức năng của một số công ty có thương hiệu. Nhận định vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ.

Ngày 16-10, Công an TP Thanh Hoá khám xét đồng loạt 10 địa điểm là nhà máy sản xuất, kho chứa hàng hoá và nhà xưởng in bao bì sản phẩm tại TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa), TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Gia Lâm (TP Hà Nội).

Qua khám xét, lực lượng công an thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng số tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Các đối tượng Nga, Đôn, Hải, Phúc và một số thực phẩm chức năng giả. Ảnh: T.TH

Các đối tượng Nga, Đôn, Hải, Phúc và một số thực phẩm chức năng giả. Ảnh: T.TH

Công an TP Thanh Hoá đã ra quyết định tạm giữ hình sự 4 đối tượng gồm: Lê Quý Đôn (sinh năm 1987, Giám đốc Công ty CP dược phẩm Quốc tế Goldwin, địa chỉ tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, TP Từ Sơn); Hoàng Thị Nga (sinh năm 1981, trú phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội); Vũ Huy Hải (sinh năm 1989, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Haloka, địa chỉ tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội); Lương Trọng Phúc (sinh năm 1987, Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại bao bì Đại Thắng, địa chỉ tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội).

Tại cơ quan công an, Đôn, Nga, Hải và Phúc khai nhận: Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ, các đối tượng đã sản xuất, gia công các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả để bán ra thị trường nhằm trục lợi. Các đối tượng đã thành lập công ty sản xuất, công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ công ty, không treo biển bảng công ty và hầu hết các công ty này đều do các thành viên trong gia đình đứng tên giám đốc nhằm che mắt cơ quan chức năng.

Sau khi hàng hoá được sản xuất, các đối tượng xây dựng hệ thống đội ngũ nhân viên thị trường đông đảo tiếp cận các nhà thuốc, phòng khám, đại lý thuốc tân dược để bán sản phẩm. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Instagram,... để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng, đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội.

Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.

Tin cùng chuyên mục