Phải công khai quà biếu

Như SGGP đã đưa tin, vào tháng 10 tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy chế quy định chi tiết việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Dư luận hy vọng khi ra đời, quy chế này sẽ là công cụ hữu hiệu nhằm giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, góp phần ngăn chặn tệ nạn tham nhũng đang có xu hướng gia tăng trong xã hội.

  • Được nhận quà dưới 500.000 đồng/lần nhưng phải công khai

Đối tượng áp dụng của quy chế dự kiến sẽ gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN);… Đặc biệt, theo dự kiến của Bộ Tài chính, quy định sẽ bổ sung người nhà của những đối tượng trên bao gồm bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), anh chị em ruột, con để tránh tình trạng đưa quà tặng cho cán bộ, công chức thông qua người nhà. Trong trường hợp không thể từ chối hoặc biết người thân trong gia đình đã nhận quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo thủ trưởng cơ quan và nộp lại quà tặng.

Quy chế dự kiến sẽ nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tiền, tài sản của nhà nước dưới mọi hình thức để làm quà tặng không đúng chế độ quy định trong bất cứ trường hợp nào, nhất là các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm thành lập, tổng kết, mừng công,…

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép nhận quà tặng có giá trị dưới 500.000 đồng (một lần tặng quà cho một đối tượng) vào các dịp hiếu, hỉ, ốm, đau, tai nạn, các ngày lễ Tết truyền thống nhưng tối đa được nhận không quá 2 lần/năm từ cùng một đối tượng nhận quà và phải công khai tại cơ quan.

  • Tính khả thi đến đâu?

Để đảm bảo tính khả thi của quy chế, theo một quan chức Bộ Tài chính, điểm quan trọng đầu tiên được đề cập đến là trách nhiệm của người đứng đầu như: thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách; thủ trưởng cơ quan cấp trên; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;... phải chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện, chỉ đạo kiểm tra cũng như xử lý kịp thời cá tổ chức, cá nhân trực thuộc vi phạm. Người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị; người quyết định sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, có nguồn gốc ngân sách để làm quà tặng sai chế độ; người nhận quà tặng có hành vi không trung thực trong việc thực hiện báo cáo công khai phải chịu trách nhiệm và tùy mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo quy chế là sẽ đề cao trách nhiệm giám sát, đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân tích cực tham gia vào việc phát hiện, xác minh, tố cáo và giám sát việc thực hiện. Nhằm tăng tính hiệu quả của hoạt động này, theo quan điểm của Bộ Tài chính, các đơn vị trên có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, xác minh vụ việc hoặc xử lý cán bộ có hành vi vi phạm. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu. Trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. 

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục