Phải tỉnh táo khi nhận quà

Từ ngày 15-8, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu lực. Liên quan tới nội dung này, Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. 

Từ ngày 15-8, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu lực. Từ thời điểm trên, quy định tặng quà và nhận quà tặng sẽ được áp dụng với các tổ chức, cơ quan, người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, việc nhận quà không đúng quy định phải từ chối quà tặng và nộp lại quà, đồng thời báo cáo cơ quan, cấp trên biết việc đó. Đây được xem là “chế tài” cụ thể để hạn chế nhũng nhiễu, tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn. Liên quan tới nội dung này, Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. 

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, văn hóa quà tặng ở Việt Nam không phải bây giờ mới có và việc tặng quà nhiều khi để thể hiện lòng biết ơn, lời cảm ơn nhau. Nhưng trong kinh tế thị trường, văn hóa quà tặng đang bị biến tướng để trở thành công cụ lót tay, tiến thân. Việc có quy định trả lại quà tặng nên hiểu như thế nào?

Ông LÊ QUANG THƯỞNG: Có 2 loại quà, một loại có tính chất vụ lợi, đó là những người đi tặng quà và người được tặng quà muốn thực hiện mục đích cá nhân nào đó. Ví dụ như được nhận dự án, được lên chức, được miễn trách nhiệm hình sự, hành chính… Như vậy là chạy chọt. Nguyên tắc thì người nhận quà phải từ chối. Nhưng nếu nhận ở mức nhẹ thì không sao, như một chai rượu, một túi hoa quả là bình thường, nhưng trong đó có cả ngàn đô la là vi phạm.

Thời tôi còn làm việc cũng đã rơi vào tình huống đó. Có một đồng chí chức trưởng phòng của một cơ quan nhà nước, muốn lên phó tổng giám đốc đã “chạy” tôi đã thông qua một người quen biết tôi đưa tới nhà giới thiệu và đưa 1.000 USD, nhưng tôi trả lại. Sau đó họp giao ban của Ban Bí thư, tôi có chia sẻ câu chuyện này và dứt khoát đồng chí đó không được đề bạt.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

Qua câu chuyện ông vừa nêu, rõ ràng chủ trương nộp lại quà tặng đã hạn chế “cửa” chạy chức, chạy quyền, hạn chế tham nhũng trong bộ máy?

Đúng vậy, làm hạn chế tiền bạc, vật chất để đi hối lộ. Là người cán bộ phải kiên quyết đấu tranh tệ nạn này, phải kiên quyết từ chối, phải trả lại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận, với những trường hợp thân quen, tặng quà nhau nhẹ nhàng thì không vấn đề gì. Quà cáp là chuyện văn hóa lâu đời, lịch sử đều có câu chuyện này, chỉ khác là mức độ. Nhưng nếu là quà có mưu đồ thì phải kiên quyết không nhận. Còn thân tình thì có thể thông cảm.

Vậy, với ông việc từ chối nhận quà có khó không?

Nói khó thì không khó, nhưng dễ cũng không dễ. Người tặng mình không được thì tặng theo đường khác, tặng mình không được thì tặng vợ mình, con mình. Đó là điều phức tạp, vì vấn đề lợi ích rất gay gắt. Quan trọng là người lãnh đạo phải gương mẫu, trong sáng, răn đe vợ con mình. Nếu vợ con nghiêm túc thì không có chuyện gì.

Quy định nộp lại quà là đúng, nhưng chúng ta có cơ chế nào để giám sát quà đã được nộp như thế nào, có đầy đủ không, có khách quan không?

Tôi nghĩ người được tặng quà mà nộp lại, tức là đã có báo cáo với cấp trên, với cơ quan thì cơ quan đó có trách nhiệm theo dõi, theo dõi để xem vấn đề có tiếp diễn như thế nào. Nếu quà nhận là tiền thì phải có biên lai nộp tiền rõ ràng. Nếu không có biên lai phải cáo miệng cho lãnh đạo biết việc đó.

Theo ông, việc tặng và nhận quà có được xem là hình thức đưa và nhận hối lộ không?

Như tôi đã nói, phải xác định được quà đó là mục đích gì, vụ lợi hay thân tình. Nếu là anh em, bạn bè với nhau, một người có chức vụ và người kia có kinh tế đến thăm nhau, tặng quà nhau là chuyện bình thường. Còn giữa hai người không thân tình mà tìm đến đưa quà thì rõ đã bộc lộ mưu cầu, lúc đó người cán bộ phải tỉnh táo, phải cảnh giác với những vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy khuyết điểm. Thông thường là vậy, nhưng hiện nay có tình trạng doanh nghiệp rất nhiều tiền để chạy dự án, muốn có được các dự án tốt dứt khoát phải chạy. Và những người cán bộ tham lam thì người dân biết hết. Một ngày mà có nhiều xe lạ ra vào nhà riêng của cán bộ thì người dân có thể đặt dấu hỏi và báo cáo với phường.

Ông có đồng ý với suy nghĩ  “trả lại quà tặng ở mức độ nào là do sự trong sáng của người cán bộ”?

Điều đó là đúng, nhưng vấn đề này rất khó; khó vì phải phân biệt được đâu là quà chạy chọt và đâu là tình nghĩa. Quan trọng nhất người thủ trưởng phải trong sáng, còn trong sáng hay không thì cơ quan và người dân sẽ biết, chắc chắn sẽ biết. Việc nâng cao đạo đức cách mạng của người cán bộ có nhiều cách, như học tập, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, quy định để mọi người biết, phát động tinh thần dân chủ trong cơ quan để cán bộ giám sát, công đoàn phải giám sát; người dân ở nơi cư trú giám sát. Tất cả điều đó để làm vấn đề minh bạch hơn.

Có cách nào chống “tham nhũng” giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các quan hệ xã hội với nhau, thưa ông?

Trước hết người cán bộ, người thủ trưởng phải gương mẫu. Còn về pháp lý, chúng ta có Luật Công chức, viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Chính quyền địa phương; Luật Hành chính công. Các luật đó đã đưa ra các giải pháp cụ thể chống tham nhũng. Vấn đề là chúng ta phải làm nghiêm túc theo luật, còn lách luật thì tôi không nói.

Quy định thì nhiều, còn thực hiện ra sao thì quan trọng nhất bản thân cán bộ phải gương mẫu; các tổ chức có liên quan phải giám sát; đồng thời phát động nhân dân nơi cư trú có thêm ý kiến. Tôi vẫn nói việc tham nhũng và chống tham nhũng là vấn đề phổ biến trên thế giới.

Vậy kinh nghiệm từ các nước có thể áp dụng với Việt Nam trong công tác phòng chống  tham nhũng như thế nào, thưa ông?

Ở Việt Nam, giao dịch vẫn dùng tiền mặt là chính, tài khoản chỉ ở cơ quan giao dịch vì lợi ích công. Muốn phòng chống tham nhũng thì phải kiểm soát chi tiêu qua tài khoản, từ đó mới có thể theo dõi được biến động của dòng tiền, những bất thường trong tài khoản của từng người, từ đó có thể phát hiện được dấu hiệu tham nhũng. Đó là biện pháp cơ bản chống tham nhũng, bởi bản chất tham nhũng là tiền bạc, thông qua ngân khố, tài khoản.

Trở lại câu chuyện nộp lại quà theo quy định, theo ông, nên ứng xử như thế nào về quà nộp để người nhận và người tặng cảm thấy nhẹ nhàng?

Quan điểm của tôi nên trả lại quà cho người tặng để khỏi bẽ mặt với người đưa quà, đó là cách tế nhị và văn minh. Còn việc vẫn nhận quà và trả lại quà cho cơ quan, đó là “cực chẳng đã”, là hãn hữu. Nhưng nộp bất kỳ quà gì giá trị thì phải có xác nhận và có hóa đơn. Còn việc bắt người nhận quà phải khai ra quan hệ với người tặng quà thì cũng phức tạp, không hay ho gì. Khi đã nộp lại quà thì trách nhiệm việc đó là cơ quan làm.
Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục