Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là lãnh đạo tài năng, uy tín, đạo đức; nhà ngoại giao, nhà văn hóa lớn. Nhiều người ở trong nước và nước ngoài đã nói, đã viết về ông, ở đây tôi chỉ kể đôi nét về những trăn trở của ông mà tôi nhớ mãi.
Thứ nhất là về vấn đề xây dựng Đảng. Đảng ta lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu rất quan trọng, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc, cuộc sống đã khác xa trước đây. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng cũng phát triển, đồng chí Phạm Văn Đồng rất lo chuyện này. Rất nhiều lần, trên các bài báo, ông đã nói đến chuyện này. Ông đã từng nói “cái nhà của chúng ta đã bị bẩn, trước hết phải làm cho cái nhà trở nên sạch sẽ”. Ý ông nói là tình trạng tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng, nên bây giờ phải xây dựng Đảng, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, tham nhũng ra khỏi Đảng, có như thế Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì các việc mới làm được, mới có kết quả, lòng tin của dân mới được vững chắc.
Đồng chí Phạm Văn Đồng (thứ 2, từ phải sang) thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Viện Kỹ thuật quân sự
Trăn trở thứ hai của đồng chí Phạm Văn Đồng là giáo dục. Giáo dục Việt Nam đã đạt những thành tựu rất lớn, nhưng trong tình hình phát triển đi lên thì đòi hỏi rất nhiều, nhất là ngày càng phải hội nhập với thế giới, vì vậy phải lo việc đào tạo, bảo đảm được việc xây dựng đất nước. Trước khi mất, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết một tác phẩm về giáo dục, coi đó là quốc sách hàng đầu. Để viết được cuốn sách về giáo dục, ông đã đi khảo sát nhiều trường học, từ đó rút ra: “phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, học ra học, dạy ra dạy”. Tức là tất cả những vấn đề đó phải thay đổi để nâng cao chất lượng giáo dục, làm cho nhân lực của chúng ta ngày càng chất lượng cao, có thể đảm đương nhiệm vụ dựng xây đất nước. Đây là đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Văn Đồng, cũng là nỗi trăn trở rất lớn của ông. Cho đến nay, những trăn trở đó của ông về giáo dục vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Hiện nay, giáo dục của chúng ta đang chạy theo đại học nhiều mà không chú trọng dạy nghề, tạo nên tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thiết nghĩ đó là vấn đề đang “chệch” với trăn trở của đồng chí Phạm Văn Đồng.
Thứ ba, về vấn đề kinh tế, hiện nay kinh tế chúng ta đã mở cửa, hội nhập sâu rộng. Nhìn lại thời kỳ trước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có nhiều trì trệ và để có những quyết sách về đổi mới, nhiều nhà lãnh đạo phải giằng xé tư duy, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng. Trước khi có Chỉ thị 100 của Trung ương về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, quan niệm chính thống về nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chủ yếu gồm 2 thành phần: kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân vẫn là một điều cấm kỵ; tháo gỡ tư duy này không thể một sớm một chiều và phải được thực tiễn kiểm nghiệm. Những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nơi có tình trạng “khoán chui”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nghe về việc “khoán chui” ở Hải Phòng, rằng bà con vui vẻ lắm, họ được chủ động, hiệu quả rất cao, nghĩa vụ đối với nhà nước rất cao, bà con còn thừa thời gian để làm việc khác, khác với tình trạng trước đây là bà con bị quản lý trói buộc bởi hợp tác xã. Ông đã tự mình đến Đồ Sơn tìm hiểu, tận mắt chứng kiến sự khác biệt đó. Lúc đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cho mở một cuộc họp, trực tiếp nghe Bí thư Đồ Sơn báo cáo. Xong, đồng chí Phạm Văn Đồng kết luận: Hải Phòng phải làm mạnh mẽ hơn, có nhiều lúa gạo, nhiều thịt hơn, đời sống nhân dân tốt hơn thì nhân dân sẽ ủng hộ. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói: cái gì chúng ta làm 10 phần mà trúng 5 phần, trật 2 phần, hỏng 3 phần thì phải khẳng định cái đã làm đã trúng, còn những gì chưa được phải sửa, cái gì hỏng thì phải bỏ.
Kết luận đó gần như vỡ òa đối với các địa phương khác vì họ cũng đang nghe ngóng kết quả ở Hải Phòng. Kết quả buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hải Phòng đã nhanh chóng lan tỏa đến các địa phương khác trong cả nước, giải tỏa phần nào sự lo lắng của bà con, cán bộ vốn đang “khoán chui” như Hải Phòng. Từ thành công của Hải Phòng, tháng 1-1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị 100 về khoán, không chỉ ở ngoài Bắc mà ở cả trong Nam. Từ chỗ thiếu lương thực, chúng ta đã trở nên dồi dào, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, tạo nên bước chuyển nông nghiệp mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam. Đó là đóng góp rất lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng về mặt tư duy đổi mới.
Tư duy đổi mới kinh tế của đồng chí Phạm Văn Đồng còn thể hiện rõ trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khi đã góp phần cởi trói cho các xí nghiệp, những người làm kinh doanh. Năm 1983, đồng chí Phạm Văn Đồng vào Đà Lạt, sau đó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh cũng vào Đà Lạt. Thành ủy TPHCM lúc đó do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư biết tin này đã tổ chức một đoàn lên Đà Lạt xin được làm việc với 2 đồng chí lãnh đạo. Buổi làm việc thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Linh và giám đốc các xí nghiệp lớn đã báo cáo tình hình kinh tế, sản xuất, đời sống của nhân dân, công nhân trên địa bàn với sự bức xúc kinh khủng. Nhiều giám đốc vừa khóc vừa báo cáo. Chưa có cuộc họp nào tôi được chứng kiến mà thấy họ khóc nhiều như vậy. Khóc không phải vì họ bị bất lực, mà vì họ bị trói buộc bởi cơ chế, không thể gỡ được.
Lúc đó trên thị trường, hàng hóa trôi nổi khá nhiều, nhưng với cơ chế giá nhà nước thì các xí nghiệp không thể mua được, sản xuất được. Vì vậy, các xí nghiệp đề nghị gỡ bỏ cơ chế để họ thoát khỏi tình trạng bất lực lúc đó. Đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó cũng rất tâm huyết, vô cùng trăn trở về thực tại của TPHCM. “Tôi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Trung ương Đảng, Chính phủ về công việc này. Tôi đề nghị 2 đồng chí lãnh đạo ủng hộ chúng tôi có cơ chế mới, tức là có cơ chế 2 giá”, đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó nói. Giá Nhà nước thì trên cơ sở cân đối giá vật tư, cho xí nghiệp làm ra số sản phẩm tương ứng và bán theo giá nhà nước quy định (đây là quy định của cơ chế cũ). Bên cạnh đó xin mở ra cơ chế giá thứ 2, đó là cho phép xí nghiệp mua vật tư trên thị trường (với giá thị trường) khi làm ra sản phẩm được phép bán theo giá thị trường.
Khi đồng chí Nguyễn Văn Linh đưa ra đề nghị này, việc thảo luận ban đầu rất khó khăn. Hai nhà lãnh đạo Trung ương suy nghĩ, trăn trở rất nhiều trước đề nghị này, vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng phải họp đến 2 buổi. Sau nhiều đắn đo, chính đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề nghị đồng chí Trường Chinh cho TPHCM thực hiện thí điểm với tinh thần cái gì đúng thì khẳng định, cái gì chưa đúng thì chấn chỉnh, sửa sai; cái gì chệch hướng thì rút kinh nghiệm, làm thận trọng, từng bước. Sau đó, 2 nhà lãnh đạo đồng ý cho TPHCM làm.
Với cơ chế mới, các cơ sở sản xuất ở TPHCM và sau này là trong cả nước được cởi trói, bung ra mạnh mẽ. Thành tựu quan trọng nhất của nó không chỉ là giải phóng nguồn lực trong dân, mà còn giải phóng lề lối tư duy đang trở nên khô cứng trước thực tế cuộc sống. Từ thực tiễn của cơ chế 2 giá, Chính phủ đã ra Quyết định 25/CP và 26/CP về quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh và tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Từ nông nghiệp của Hải Phòng, công nghiệp của TPHCM, với cơ chế mới, sản xuất đã bung ra rất mạnh mẽ, hàng hóa dồi dào, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu.
Dẫn ra hai câu chuyện trên để phần nào chúng ta hình dung được trong buổi đầu của sự đổi mới tư duy nó gay go, có thể nói là giằng xé và quyết liệt như thế nào.
| |
NGUYỄN TIẾN NĂNG
(Nguyên trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)
LÂM NGUYÊN (ghi)