
Nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày Giải phóng thủ đô, hướng đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn của Báo SGGP về những thành tựu và khó khăn thách thức đặt ra cho thủ đô, đặc biệt là sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH2 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính.
- PV: Thưa đồng chí, sau 54 năm kể từ ngày giải phóng thủ đô, hiện có thể đánh giá khái quát về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội như thế nào?
Đồng chí PHẠM QUANG NGHỊ: 54 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương, sự giúp đỡ, chia sẻ của các địa phương trong cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tích hết sức to lớn và đáng tự hào. Hà Nội của chúng ta 54 năm trước là TP có quy mô diện tích và dân số nhỏ bé, kinh tế - xã hội kém phát triển, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Vượt qua những khó khăn, Đảng bộ và nhân dân thủ đô ra sức phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu và trong xây dựng, vừa chi viện sức người, sức của cho miền Nam, vừa ra sức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, thành trì của Chủ nghĩa xã hội cả nước. Sau khi nước nhà thống nhất, thủ đô Hà Nội càng tỏ rõ quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ là đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Ngày nay, Hà Nội đã trở thành thủ đô có quy mô rộng lớn, với diện tích 3.344km2, dân số 6,4 triệu người, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao lưu quốc tế... đã và đang đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thủ đô Hà Nội năm 2006 chiếm 8,9%; năm 2007 chiếm 9,5% và dự kiến năm 2008 chiếm 11% GDP cả nước.
Thu ngân sách năm 2006 chiếm 13,7%; năm 2007 chiếm 18,9% cả nước. Xuất khẩu năm 2006 chiếm 9%; năm 2007 chiếm 9%; dự kiến năm 2008 chiếm 10% cả nước. Thành tựu trên mọi lĩnh vực của Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là sau hơn 20 năm đổi mới đã tạo cho thủ đô một diện mạo mới, một vóc dáng mới, không chỉ làm ngạc nhiên, hứng thú đối với khách du lịch, bạn bè quốc tế, mà ngay cả người Hà Nội và nhân dân cả nước cũng cảm thấy phấn chấn, tự hào.
Ghi nhận những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã đạt được, Đảng và Nhà nước đã tặng cho Hà Nội danh hiệu cao quý là “Thủ đô anh hùng”, bạn bè quốc tế bầu chọn là “Thành phố vì hòa bình”.
- Nền kinh tế thế giới và trong nước năm 2008 có rất nhiều khó khăn, đồng chí có thể cho biết điều này đã tác động như thế nào đến Hà Nội?
Đúng là những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước đã có những tác động lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thủ đô. Một số chỉ tiêu phấn đấu về kinh tế, xã hội, về triển khai các dự án trọng điểm không đạt được như mức dự kiến. Trong bối cảnh đó, vượt lên những khó khăn, thách thức do diễn biến không thuận lợi của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, của dịch bệnh và thiên tai, những bộn bề công việc của một TP sau hợp nhất, các cấp, các ngành của Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế thủ đô tiếp tục duy trì được ở mức tăng trưởng cao. 9 tháng đầu năm, GDP của TP ước tăng 10,9%; thu ngân sách đạt 87% dự toán năm. TP tích cực thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiết kiệm chi thường xuyên trên 160 tỷ đồng.
Văn hóa – xã hội thu được những kết quả quan trọng. Những công việc và hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội được tích cực triển khai thực hiện. Các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc được quan tâm chỉ đạo giải quyết. Quan hệ đối ngoại và hợp tác giữa Hà Nội với thủ đô các nước và các tỉnh thành trong cả nước tiếp tục được mở rộng và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đặc biệt là việc TP đã kiên trì chỉ đạo giải quyết tốt vấn đề khiếu kiện phức tạp liên quan đến an ninh trật tự và tôn giáo trên địa bàn thủ đô.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đánh giá kết quả thực hiện nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ của cấp ủy từ nay đến hết nhiệm kỳ. Việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện nghiêm túc và sáng tạo, đạt được những kết quả tích cực.
- Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng thủ đô, đồng chí nhận định thế nào về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết này?
Việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi và mở ra triển vọng phát triển lâu dài và bền vững cho Hà Nội. Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết số 15 của QH khóa XII, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách, ngay từ những ngày đầu tiên nghị quyết của QH có hiệu lực, toàn bộ hệ thống chính trị của TP đã nhanh chóng ổn định, đảm bảo mọi hoạt động của đời sống xã hội diễn ra bình thường. Trụ sở các cơ quan làm việc của TP đã được bố trí, sắp xếp hết sức khẩn trương, hợp lý với tinh thần tập trung, tiết kiệm, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Hàng loạt văn bản đã được rà soát và nhiều văn bản mới về cơ chế chính sách đã được ban hành, nhằm đảm bảo sự điều hành tập trung và thống nhất trên toàn địa bàn của thủ đô sau khi mở rộng.
Với tinh thần năng động, sáng tạo, kỷ cương, văn minh thanh lịch, TP tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và hai khâu đột phá là cải cách hành chính và công tác cán bộ, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ TP đã đề ra.
Mặc dù còn nhiều yêu cầu đặt ra đối với bộ máy chính quyền TP, như cần phải nhanh chóng vươn lên, năng động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, nhưng với tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và cả nước, Hà Nội nhất định sẽ có nhiều tiến bộ và đổi mới, có nhiều công trình và thành tựu mới, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân cả nước.
- Từ nay đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội không còn xa, những công việc chuẩn bị cho đại lễ hẳn còn rất bộn bề. Xin đồng chí cho biết TP Hà Nội đang triển khai các hoạt động này ra sao?
Hướng tới ngày đại lễ, TP Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. TP đã xây dựng một chương trình kỷ niệm hết sức phong phú, với hàng chục công trình trọng điểm. Các hoạt động kỷ niệm đang được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hết sức khẩn trương. Không chỉ riêng thủ đô Hà Nội, mà các bộ, ngành, các tỉnh, TP trong cả nước đều đang cùng phối hợp và mong muốn được góp sức, góp phần vào các hoạt động hướng đến ngày kỷ niệm.
Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội không chỉ là cần hoàn thành những công trình văn hóa vật thể, mà còn một công việc khác không kém phần quan trọng là xây dựng những giá trị văn hóa, tinh thần trên cơ sở kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thật sự là cơ hội lớn để Hà Nội khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
- Xin cảm ơn đồng chí.
Anh Thư thực hiện

Văn nghệ mừng kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô. Ảnh: Minh Điền