Sau loạt bài Bia ôm thác loạn đăng trên Báo SGGP ngày 18 và 19-6 phản ánh tình trạng hàng loạt nhà hàng, quán ăn ở quận Bình Thạnh biểu diễn thoát y, tắm bia, thậm chí hành lạc tại chỗ, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM kiêm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TPHCM (đoàn 2).
* Phóng viên: Trước thực trạng mà Báo SGGP phản ánh, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTN) TPHCM, đoàn 2 đã xác định cơ sở mà Báo SGGP phản ánh chưa?
* Ông LÊ VĂN QUÝ: Chưa! Cách đây hai tháng, anh em bên Chi cục PCTN đã đi khảo sát các điểm tại địa chỉ 13, 16, 18, 20 Bùi Đình Túy và biết có mại dâm tại chỗ. Tuy nhiên, chi cục không có chức năng, ra vô không bắt được tại chỗ là rất uổng. Chúng tôi chỉ kiểm tra hành chính, còn bắt quả tang mại dâm, thoát y, múa lửa thuộc nhiệm vụ của công an hình sự. Vì thế, chi cục đã gửi công văn đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) báo tình trạng trên và đề nghị PC45 vào cuộc. Từ đó đến nay, có thể PC45 đã có kế hoạch riêng, chúng tôi không rõ. Ở địa chỉ 351 Nơ Trang Long và đường Tân Sơn, chúng tôi có kiểm tra. Ở đây, chủ nhà khóa cửa để đối phó đoàn. Chúng tôi đã phát hiện 18, 19 lỗi. Các điểm khác ở đường Nguyễn Văn Đậu, Nơ Trang Long…, chúng tôi cũng đã khảo sát.
* Trước cảnh thác loạn tại các nhà hàng như Báo SGGP phản ánh, ông có ý kiến gì?
* Đó là thực trạng xã hội. Ngay khi Báo SGGP phản ánh, Sở VH-TT-DL TPHCM cũng đã có văn bản gửi Phòng VH-TT quận Bình Thạnh đề nghị báo cáo cụ thể tình hình. Chi cục PCTN cũng tham mưu cho Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị UBND quận Bình Thạnh (trực tiếp là Phòng LĐTB-XH) nắm tình hình lại rồi báo cáo ngành chức năng, để cơ quan chức năng báo cáo UBND TPHCM vì đây là địa bàn của quận. Bây giờ cần đặt câu hỏi quận có biết các “điểm đen” mà báo đã nêu không? Công an quận, công an phường, cảnh sát khu vực xem có nắm được tình hình không? Về phía chi cục, chúng tôi sẽ khảo sát những điểm mà Báo SGGP phản ánh và phối hợp với PC45 lập chuyên án phối hợp giải quyết. Chi cục PCTN chỉ là cơ quan dân chính. Chức năng của chi cục chỉ có vậy, nếu chi cục thực hiện lệnh bắt những trường hợp như báo nêu là sai chức năng. Đoàn 2 không phải không làm mà làm rất nhiều nhưng sự chuyển biến chưa mạnh. Về tình hình như báo nêu, đề nghị chính quyền địa phương có ý kiến.
* Như thế nào là sai chức năng, ông có thể nói rõ hơn?
* Chi cục chỉ có thể vào khảo sát, việc nắm tình hình nghiệp vụ rồi xác lập án, bắt là phần việc của công an. Đoàn 2 chỉ đi kiểm tra hành chính thôi và không bao giờ phát hiện tình trạng này. Khi chúng tôi tới nơi là họ phi tang hết. Chúng tôi không tận mắt chứng kiến những cảnh như Báo SGGP phản ánh.
* Đoàn liên ngành có đầy đủ các cơ quan mà?
* Có hết, nhưng chỉ hành chính thôi. Chỉ khi nào kiểm tra, bắt quả tang, chúng tôi báo cho PC45 và cơ quan này sẽ cử người xuống phối hợp. Chẳng hạn trước Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi kiểm tra ở điểm 420 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), bắt quả tang tiếp viên bán dâm tại chỗ, chúng tôi phải… ôm luôn nữ tiếp viên để giữ chứng cứ, hiện trường và báo cho PC45 cùng công an phường 13, quận Bình Thạnh đến. Dù tiếp viên thừa nhận bán dâm, khách thừa nhận mua dâm nhưng công an đến, họ lại nói, công an đâu có tham gia ngay từ đầu, đâu bắt quả tang. Rồi vụ đó không xử lý hình sự được. Chúng tôi là đoàn liên ngành, chỉ kiểm tra vi phạm hành chính, còn liên quan hình sự thì công an làm, còn công an cảm thấy không đủ chứng cứ, không bắt quả tang thì… tôi không biết nữa (!?)
* Nhiều cơ sở “nổ” là đã có bảo kê, “các thượng đế cứ yên tâm” và thực tế họ hoạt động rất rầm rộ. Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?
* Không biết được, họ nói để trấn an khách thôi.
* Tại sao cơ sở hoạt động rầm rộ, kéo dài trong thời gian dài như vậy mà các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý?
* Không thể lý giải được nhưng trước hết là do quản lý địa bàn. Nếu nói không biết, vậy công tác quản lý địa bàn thế nào? Như báo nói, có vấn đề bảo kê, cần phải mổ xẻ, ai là người đứng sau lưng cần làm rõ, chứ nói chung chung rất khó xử lý. Còn nhà hàng “nổ”, đó là quyền của họ, ai là người bảo kê thì người đó chịu trách nhiệm. Theo tôi, trách nhiệm trước hết là công an phường, trực tiếp là cảnh sát khu vực. Tại quận Bình Tân, việc các cơ sở mại dâm trá hình “nổ” là được bảo kê đã giảm. Quận Bình Thạnh vẫn tồn tại, sau đó là đến Phú Nhuận, các cơ sở mại dâm trá hình không sợ ai. Ngay cả địa phương, họ cũng nói là “mua” hết rồi.
* Ông nói nhiều đến vai trò, trách nhiệm của chính quyền sở tại, vậy xin hỏi ông có biết và Chi cục PCTN có biết những điểm Báo SGGP phản ánh không?
* Biết nhưng chúng tôi chỉ biết địa chỉ. Không phải chúng tôi biết mà không vào kiểm tra. Chỉ có khách hàng là mối ruột, các điểm trên mới phục vụ “tới bến”. 10 phòng chỉ có 1 phòng có hoạt động mại dâm, còn 9 phòng khác hoạt động bình thường. Chúng tôi chỉ biết bên ngoài, nếu biết bên trong có hoạt động phi pháp sẽ kiểm tra xử lý.
* Vậy cách khảo sát của mình thế nào, làm sao biết, thưa ông?
* Tình cờ, đi với bạn bè, thấy vậy!
* Vậy hiệu quả phòng chống của chi cục như thế nào?
* Nhiều người ngộ nhận về chi cục nhưng chi cục đâu được bắt ai. Tất cả mọi thứ là công an. Chống tệ nạn của chi cục không hiệu quả đâu, chủ yếu phòng là chính, ở đây là tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn, kéo giảm và đẩy lùi. Chứ còn chống bằng cách bắt thì không được phép. Chúng tôi vào gặp nhưng cũng không bắt được, chỉ lập biên bản thể hiện cơ sở có hành vi khiêu dâm, kích dục, sử dụng hình thức này để làm phương thức kinh doanh, phạt tối đa 17 triệu đồng theo quy định. TPHCM hiện có 30.000 cơ sở kinh doanh các loại hình nhạy cảm, nếu bình quân 1 tháng đi kiểm tra 8 lần, tính ra kiểm tra được khoảng 20 cơ sở/tháng. Mà cũng chỉ đi cơ sở trọng điểm, chủ yếu kiểm tra những điểm nghi vấn có ma túy, mại dâm, rượu không phép, karaoke không phép hay không. Còn mấy nhà hàng bia ôm lẹt đẹt này (Báo SGGP phản ánh - PV) phân cấp quận, huyện làm.
* Như vậy Chi cục PCTN không có trách nhiệm với những điểm mại dâm trá hình mà Báo SGGP phản ánh?
* Không phải không có trách nhiệm nhưng trách nhiệm trước hết là quận, huyện. Những điểm nào quận làm không xuể thì báo chi cục để tăng cường, không báo nghĩa là bình thường. Những cơ sở mà Báo SGGP nêu, quận không báo, không đề nghị hỗ trợ. Nếu biết, dứt khoát chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất, đột kích. Cơ quan báo chí phản ánh là tốt, chúng tôi chưa được chứng kiến những điều báo nêu cũng là một thiếu sót nhưng là vì phường không làm, quận không làm. Những bài viết, hình ảnh báo nêu quá phản cảm, không thể chấp nhận được.
| |
NHÓM PV
- Thông tin liên quan:
>> Bia ôm thác loạn
- Bài 1: Có tiền… chiều tới bến