Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 17-2 (tức mồng 2 Tết Mậu Tuất), qua số liệu báo cáo trực tuyến của 1.300 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy tất cả các bệnh viện đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám cấp cứu cho 94.830 trường hợp, trong đó có trên 57.300 người phải nhập viện điều trị nội trú và chuyển viện 5.231 trường hợp. Các bệnh viện cũng đã thực hiện hơn 6.390 ca phẫu thuật, trong đó 215 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân.
Đáng chú ý, qua thống kê ban đầu, trong số các trường hợp phải tới bệnh viện khám, cấp cứu trong những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018 có tới 243 trường hợp nhập viện do pháo nổ và các chất nổ khác, trong đó có 190 trường hợp đến khám cấp cứu do pháo nổ (106 trường đã xác minh danh tính và địa chỉ cụ thể), tăng 67 trường hợp (54.4%) so với dịp Tết Đinh Dậu năm 2017, không có trường hợp nào tử vong. Bộ Y tế cũng cho biết, tổng số ca cấp cứu do đánh nhau là 1.949 trường hợp giảm 20.7% so với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, phải nhập viện điều trị nội trú là 1.099 trường hợp, 270 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên. Có 6 trường hợp tử vong giảm 10 ca so với 3 ngày Tết năm ngoái.
Đáng chú ý, trong số các trường hợp nhập viện, số người tới khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 16.606 trường hợp, giảm 3.73% so với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Trong đó, 9.678 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày, 5.491 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và chuyển tuyến trên điều trị 1.349 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 83 trường hợp, tăng 3 ca so với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.
Cũng trong 3 ngày nghỉ đầu tiên của dịp Tết năm nay chưa ghi nhận vụ ngộ độc tập thể nào nhưng đã có tới gần 400 trường hợp nhập viện vì ngộ độc rượu, cùng với đó là gần 1.300 trường hợp rối loạn tiêu hóa nhập viện.