Phát hiện hơn 8.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật

(SGGP).- Ngày 18-1, Hội nghị triển khai công tác pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014 đã được tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

(SGGP).- Ngày 18-1, Hội nghị triển khai công tác pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014 đã được tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2013 công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, công tác này đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc ban hành văn bản quy phạm chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, nhất là các thông tư liên tịch. Liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2013, các tổ chức pháp chế đã phát hiện hơn 8.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp (bằng 19,38% tổng số văn bản được kiểm tra); trong đó có gần 1.400 văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và các kết quả đã đạt được của pháp chế các bộ, ngành trong năm qua. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những mặt tích cực, công tác pháp chế vẫn chưa đi vào thực chất, vẫn còn mang tính hình thức, chưa phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết các công việc của nhà nước, xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung cho công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là thực hiện kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường thực thi luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, không để tình trạng “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư…”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục