Phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế

Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao nhưng vẫn đề nghị  bổ sung, nhất là biên chế viên chức giáo dục.

Theo báo cáo giám sát, còn nhiều bất hợp lý trong phân giao biên chế viên chức giáo dục.
Theo báo cáo giám sát, còn nhiều bất hợp lý trong phân giao biên chế viên chức giáo dục.

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” vừa được gửi đến Quốc hội. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 và sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4 (khai mạc vào ngày 20-10) tới đây.

Theo báo cáo, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế bước đầu thực hiện có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu các Nghị quyết 19 của Đảng đề ra (giảm 10%). Không chỉ giảm biên chế công chức, viên chức, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương cũng giảm.

Tính đến 31-12-2021, cả nước chỉ còn 47.744 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 7.469 đơn vị so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, các bộ, ngành có 1.015 đơn vị, giảm 108 đơn vị; các địa phương có 46.729 đơn vị, giảm 7.361 đơn vị.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện mục tiêu có 10% đơn vị tự chủ tài chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19.

Tính chung đến cuối năm 2021, có 3.135 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương đã tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên.

Bên cạnh các kết quả đạt được, đoàn giám sát của Quốc hội nhìn nhận, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu.

Báo cáo giám sát dẫn báo cáo của Chính phủ nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính, như việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa triệt để, còn tình trạng “cài cắm”, “biến tướng”, phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Trong khi đó, cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Có đến 19 tổ chức chưa làm rõ việc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổng cục tại Nghị định số 101 của Chính phủ. Một số tổ chức vụ, cục thuộc bộ chưa đáp ứng được tiêu chí thành lập. Còn hàng trăm tổ chức phòng trong vụ (279 phòng) chưa thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 18…

Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao nhưng vẫn đề nghị  bổ sung, nhất là biên chế viên chức giáo dục.

Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền.

Trong đó, 10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế công chức gồm: TPHCM, Hà Nội,  Bình Dương, Quảng Ninh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Hậu Giang, Đồng Tháp, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế.

“Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao đã làm tăng chi ngân sách 859 tỷ đồng”, báo cáo nêu.

Có 11 địa phương sử dụng 1.259 biên chế viên chức của các đơn vị sự nghiệp công làm công việc quản lý nhà nước, 32 địa phương sử dụng 9.299 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan tổ chức hành chính.

Còn có địa phương bố trí 32 công chức (không phải là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công) làm nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Tin cùng chuyên mục