Phát huy sức trẻ phục vụ cộng đồng

Phát huy sức trẻ phục vụ cộng đồng

Trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, niềm vui lớn nhất của cử nhân y tế cộng đồng Nguyễn Đình Dũng, công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, là được tập thể giới thiệu với Thành đoàn TNCS TPHCM xét trao tặng giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ 5-2017.

Dù khá bận rộn và mệt mỏi sau một ngày xuống cơ sở để giám sát kết quả của việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý dịch bệnh tại TPHCM, Dũng vẫn rất vui khi nói về lợi ích của sáng kiến này. Dũng nhớ lại thời điểm tháng 11-2013 khi mới chính thức nhận công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Dũng được lãnh đạo trung tâm và anh chị em đồng nghiệp quan tâm, tin tưởng giao trọng trách nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin địa lý và quản lý dịch bệnh.

Lúc đầu nhận nhiệm vụ và đi vào nghiên cứu thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn như chưa biết phải gắn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin từ đâu để xây dựng phần mềm quản lý khoa học, hiện đại, trong khi mọi thứ trước đây đều phải làm thủ công trên giấy. Nhưng bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết, Dũng vận dụng những kiến thức đã được học, rồi tự nghiên cứu thực tế tại các quận huyện, học hỏi thêm kinh nghiệm, tiếp thu sự gợi ý của người đi trước và nhất là học tập từ những lời dạy của Bác với thanh niên, từ tấm gương của Bác trong đời sống, trong công việc đã thôi thúc Dũng phải nghiên cứu, nghĩ ra cách làm cho bằng được phầm mềm này theo cách vừa làm vừa sửa chữa, khắc phục, để có một phần mềm hoàn thiện nhất. Và phần mềm GIS ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý dịch bệnh ra đời trong hoàn cảnh đó.

Nguyễn Đình Dũng (bìa trái) trong đợt tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết cho học sinh

Sau khi áp dụng vào thực tế, sáng kiến này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đó là giảm thiểu nguồn kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hóa chất trong phòng dịch. Giúp quản lý số liệu một cách đồng bộ và thống nhất, xử lý ổ dịch một cách nhanh chóng, tránh dịch bệnh lan rộng, giảm thiểu được các biểu mẫu hành chính phải thực hiện khi trước đây phải làm thủ công. Quan trọng hơn, ứng dụng này đã trở thành công cụ hỗ trợ quản lý dịch bệnh hiệu quả, giảm áp lực cho tuyến cơ sở trong xử lý dịch bệnh. Ứng dụng của Dũng và đồng nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực trong đợt phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika xảy ra vào thời điểm cuối năm 2016 vừa qua.

Trong hơn 3 năm công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TP, Dũng đã đạt được nhiều thành tích trong chuyên môn lẫn trong các hoạt động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng. Mọi người thường thấy Dũng tích cực tham gia hoạt động phòng chống dịch và truyền thông về sốt xuất huyết, dịch Mers, Zika, khám và phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa, chăm sóc sức khỏe trẻ em, tham gia Kỳ nghỉ hồng do Thành đoàn phát động và cả hiến máu tình nguyện…

Qua những việc làm ấy cho thấy hình mẫu người thanh niên trẻ giỏi nghề, tâm huyết, dám dấn thân vì lợi ích cộng đồng. Song theo Dũng, để có được những thành tích đó, Dũng đã học tập rất nhiều từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do cơ quan và các tổ chức đoàn thể phát động trong những năm qua. Từ việc học tập Bác, Dũng buộc mình phải suy nghĩ làm sao sống có ích hơn, gắn với công việc chuyên môn của mình để mang lại kết quả cao nhất.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Dũng cho biết trong thời gian tới sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa trong trau dồi kiến thức chuyên môn, xung kích hơn nữa trong các hoạt động xã hội và chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có được cho những thanh niên trẻ tại đơn vị để có thêm nhiều sáng kiến, cách làm hay phục vụ lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục