Phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập

Trước lo ngại hàng EU sẽ đổ bộ nhiều hơn vào Việt Nam trong thời gian tới, không ít doanh nghiệp, ngành hàng đang có những bước đi chiến lược trong xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, để có thể cạnh tranh sòng phẳng tại nội địa.
Chất lượng, mẫu mã là yếu tố quan trọng để hàng Việt chắc chân trong hội nhập
Chất lượng, mẫu mã là yếu tố quan trọng để hàng Việt chắc chân trong hội nhập

Lo ngại cạnh tranh gia tăng

Từ đầu tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, hàng loạt mặt hàng chất lượng cao như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm... của EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được giảm đến 0% theo lộ trình cam kết của EVFTA. 

Trong một đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ EUR. Điều này cho thấy, nếu chỉ tính riêng với hàng hóa từ EU vào Việt Nam đã tạo mức độ cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại nội địa, đó là chưa kể hàng hóa từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng ngày càng muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh vì thế sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho các doanh nghiệp Việt. 

Ở thời điểm hiện tại, hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Theo đánh giá được đưa ra gần đây của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90%-93%, ở Satra 90%-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%… Với các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65%-96%.Dù vậy, điều này không có nghĩa là hàng Việt sẽ không phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Điển hình như với mặt hàng trái cây. Hiện không khó để tìm mua các loại trái cây ngoại như táo, nho, lê, cherry, việt quất, cam… trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp Việt Nam. Trong đó chỉ tính riêng thị trường Mỹ, đại diện của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm nay kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Mỹ vào Việt Nam đã đạt hơn 102,1 triệu USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2019. 

Nâng sức cạnh tranh trong hội nhập

Với thị trường EU, hiện tại dịch Covid-19 tại các nước này vẫn đang diễn biến phức tạp, vì thế chưa thể đánh giá tổng thể và toàn diện tác động của việc thực thi EVFTA. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, trong giai đoạn hậu dịch Covid-19 hàng chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng tại thị trường Việt Nam. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng khi lộ trình cắt giảm thuế trong EVFTA hoàn thành, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể để chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn với ngành thực phẩm sẽ rất cạnh cạnh với hàng nhập khẩu từ EU vì thế việc nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng trên cơ sở áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, tái cơ cấu sản xuất… sẽ là giải pháp thích ứng hiệu quả. 

Hiện tại, các doanh nghiệp thực phẩm như Vissan, Ba Huân, Saigon Food… đang rất tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại đại hội cổ đông được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan, cho biết công ty này đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan”. Ngoài ra, Vissan đã cho ra mắt 10 sản phẩm mới, đồng thời cải tiến thành công 16 sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành. Song song đó, Vissan còn mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến, giúp khách hàng yên tâm và thoải mái chọn mua các sản phẩm của công ty tiện lợi, nhanh chóng.

Với lĩnh vực rau quả, việc thúc đẩy sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP… cũng như nỗ lực đưa hàng vào các hệ thống kênh phân phối nội địa đang được địa phương, doanh nghiệp sản xuất tích cực đẩy nhanh. Tới nay, các sản phẩm rau VietGAP ở các tỉnh như Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Lâm Đồng đang có đầu ra ổn định bởi được Saigon Co.op liên kết bao tiêu trên toàn hệ thống. Nhà bán lẻ này còn tiến hành đặt hàng các nhà sản xuất gạo, trái cây, cá… theo bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống được Saigon Co.op công bố cuối năm 2019. Tương tự với hàng thời trang, da giày, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… các doanh nghiệp nội địa như Canifa (sản xuất thời trang); Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti), Biti’s giày dép; Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn; Dược Hậu Giang… đã có những cải tiến rõ rệt trong việc thay đổi mẫu mã nhằm đáp ứng được cả tính thẩm mỹ lẫn chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. 

Cùng với những giải pháp trên, các chuyên gia khuyến cáo, đối với doanh nghiệp, ngoài những cải tiến về chất lượng, mẫu mã và giảm giá thành nhằm đưa sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp cũng cần có ý thức bảo vệ thương hiệu là tài sản sở hữu trí tuệ của mình, thông qua thực hiện ngay thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đối với các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp cần có các thông tin cung cấp cho khách hàng để nhận biết phân biệt hàng giả, hàng nhái, tránh để các đối tượng lợi dụng trục lợi.

Tin cùng chuyên mục