Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) trong cả nước đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng nhưng chưa thu hút được người bệnh đến khám chữa bệnh, thậm chí số người khám chữa bệnh bằng YHCT còn sụt giảm.
Cùng với đó, việc nuôi trồng phát triển dược liệu, thuốc YHCT, thuốc dược liệu vẫn rất hạn chế và manh mún... Đây là những vấn đề đáng quan tâm được đặt ra tại hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, giai đoạn 2011-2015, do Bộ Y tế tổ chức ngày 20-5.
Thiếu hiệu quả
Bác sĩ Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện YHCT Thái Nguyên, cho biết bệnh viện hiện có hơn 170 giường bệnh và tuy là một bệnh viện hạng 2 nhưng cũng đã triển khai được một số kỹ thuật mới góp phần điều trị bằng YHCT có hiệu quả nhiều bệnh như: liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bệnh trĩ, u xơ tuyến tiền liệt, các bệnh về khớp và thần kinh. Tuy nhiên, dù thực tế cơ sở vật chất trang thiết bị của bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu, cũng như chưa thực sự thu hút được nhiều người bệnh tới khám chữa bệnh bằng YHCT. Hơn nữa, số lượng người bệnh có nhu cầu đến khám chữa bệnh tại bệnh viện YHCT còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển tuyến, nhất là với những bệnh nhân có BHYT.
Khám chữa bệnh bằng YHCT cho người bệnh
Thực tế không chỉ có Bệnh viện YHCT Thái Nguyên mà nhiều bệnh viện YHCT khác trong cả nước cũng hoạt động chưa hiệu quả. Ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ YHCT (Bộ Y tế), cho biết cả nước đã có 58 bệnh viện YHCT tuyến tỉnh, trên 62% bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã có khoa YHCT và trên 84% trạm y tế xã khám chữa bệnh bằng YHCT. Thế nhưng, số người bệnh khám chữa bệnh bằng YHCT lại sụt giảm. Cũng theo ông Phạm Vũ Khánh, người bệnh vẫn chưa mặn đến với YHCT là do các nguồn lực đầu tư cho phát triển YHCT vẫn chưa tương xứng, hạn chế nhiều so với đầu tư cho y học hiện đại. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực YHCT, nhất là nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu, thậm chí còn sụt giảm so với trước đây. “Tỷ lệ cán bộ YHCT chỉ chiếm 4,49% so với nhân lực y học hiện đại, trong khi đó chỉ tiêu khám chữa bệnh bằng YHCT các tuyến theo mục tiêu của Chính phủ yêu cầu đạt 10% tuyến trung ương, 15% tuyến tỉnh, 20% tuyến huyện và 30% tuyến xã. Điều này thể hiện bất cập trong quá trình phát triển nguồn nhân lực...”, ông Khánh chỉ rõ.
Nhỏ lẻ và manh mún
Không chỉ chưa thu hút được người dân khám chữa bệnh bằng YHCT mà việc phát triển các vùng chuyên canh dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu và thuốc YHCT cũng rất hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam được ưu đãi về thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, có hơn 5.000 loài thực vật dùng trong phòng bệnh và chữa bệnh, đặc biệt một số vùng có nhiều loại cây thuốc quý hiếm, đặc hữu, được cộng đồng sử dụng làm thuốc. Thế nhưng, số vùng chuyên canh cây dược liệu ở nước ta vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, với sản lượng rất khiếm tốn. Mới chỉ có một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum... quy hoạch và triển khai nuôi trồng dược liệu một số cây, con có hiệu quả chữa bệnh và có giá trị kinh tế như: Diệp hạ châu, Đinh lăng, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Râu mèo, Sa nhân tím, Sâm ngọc linh, Trinh nữ hoàng cung. Đến nay cả nước cũng mới chỉ có khoảng 15 nơi trồng cây dược liệu được chứng nhận tiêu chuẩn GACP - WHO (tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng) do một số ít doanh nghiệp đầu tư.
Trong khi đó, xu hướng sử dụng thuốc YHCT, thuốc dược liệu có xu hướng tăng cao vì tính an toàn, hiệu quả, kinh tế và dễ tiếp cận trong cộng đồng. Ước tính nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước hàng năm khoảng hơn 60.000 tấn cho kinh doanh và phục vụ công tác khám chữa bệnh bằng YHCT. Thế nhưng, bất cập ở chỗ là do nguồn dược liệu được nuôi trồng ở trong nước vẫn nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được nên hàng năm chúng ta phải nhập khẩu hàng chục ngàn tấn dược liệu, nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc YHCT, thuốc dược liệu ở trong nước. Đáng lo ngại hơn, qua kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc YHCT đã phát hiện dược liệu còn lẫn tạp chất, hàm lượng hoạt chất thấp, thậm chí còn bị trộn hóa chất, nhuộm phẩm màu... gây nguy hại cho người sử dụng. Ông Phùng Minh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex, thẳng thắn: Những hạn chế, manh mún trong phát triển dược liệu chủ yếu do sự liên kết lỏng lẻo, thiếu đồng bộ giữa giữa “bốn nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Để giải quyết được tình trạng này, các chính sách của Nhà nước cần được thể chế hóa theo hướng đầu tư mạnh mẽ vào một chương trình quốc gia với hành động cụ thể. Trong đó cần chọn một số doanh nghiệp có năng lực để đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, đảm bảo xây dựng mô hình phối hợp “bốn nhà” nhằm xây dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt và ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu.
Thậm chí, tại các bệnh viện tuyến trung ương dù được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại nhưng tỷ lệ lượt người bệnh khám bệnh bằng YHCT, YHCT với y học hiện đại trên tổng số lượt khám chữa bệnh chung chỉ chiếm 4,1%, bệnh nhân điều trị nội trú bằng YHCT cũng chiếm 4,4%, không đạt mục tiêu đề ra. Bi đát hơn, khám chữa bệnh bằng YHCT tại bệnh viện tuyến tỉnh còn sụt giảm mạnh so với trước đây. Theo đó, khám bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại trên tổng số khám chữa bệnh chung tại tuyến tỉnh là 11,7%, giảm 0,8% so với năm 2010; tỷ lệ điều trị nội trú và nội trú ban ngày bằng YHCT tại tuyến tỉnh là 5,7%, giảm 2,9% so với 5 năm trước đây.
MINH KHANG