Giải quyết bệnh xơ hóa cơ Delta

Phẫu thuật là hướng điều trị đúng

P.T.
Phẫu thuật là hướng điều trị đúng

Thời gian qua, dư luận rất lo ngại việc ngành y tế chưa kết luận được nguyên nhân gây bệnh xơ hóa cơ Delta nhưng lại quyết định sẽ phẫu thuật hết cho các cháu bị bệnh. Hôm qua 25-5, tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế và Bệnh viện Nhi TƯ-đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ nghiên cứu bệnh xơ hóa cơ Delta-đã cùng trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến căn bệnh này.

Phẫu thuật là hướng điều trị đúng ảnh 1

Những trẻ em bị bệnh xơ teo cơ Delta.

- Phóng viên: Bệnh viện Nhi TƯ bắt đầu ca mổ teo cơ Delta từ tháng 8-1994. Vậy tại sao trong suốt hơn 10 năm qua các bác sĩ không chú ý đến căn bệnh này để bây giờ “rộ” lên ngành y tế mới vào cuộc?

- PGS-TS Nguyễn Ngọc Hưng - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, BV Nhi TƯ
: Đúng là vào thời điểm đó chúng tôi đã bắt đầu mổ ca đầu tiên. Nhưng sau đó, mỗi năm chỉ có mấy ca đến bệnh viện, nên chúng tôi cho đó chỉ là một căn bệnh bình thường.

Đến năm 2003, bắt đầu xuất hiện một đoàn mấy cháu liền đến đăng ký điều trị (thường là vào dịp hè, thầy cô đưa học sinh đi chữa bệnh). Năm 2004 số bệnh nhân tăng dần lên và chúng tôi bắt đầu chú ý đến căn bệnh này.

- Vậy theo ông, căn bệnh này là do đâu?

- Theo điều tra bước đầu tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh (nơi đến nay phát hiện nhiều bệnh nhân nhất cả nước với 2.500 cháu), tỷ lệ mắc xơ hóa cơ trong 3 xã điều tra là 19,8% dân số. Về các yếu tố liên quan bước đầu cho thấy, số người bị xơ hóa cơ Delta có tiền sử tiêm thuốc kháng sinh và các thuốc khác vào vùng cơ Delta chiếm gần 35%, trong khi đó, số không tiêm bị teo cơ chỉ chiếm hơn 9%.

Hiện nay, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã cơ bản thống nhất có 4 yếu tố nguy cơ gây nên bệnh xơ hóa cơ Delta. Bao gồm: do chấn thương, do bẩm sinh, do tiêm (kể cả tiêm thuốc kháng sinh, giảm đau, vitamin, vaccine), do thể chất người bệnh.

- Điều đó có nghĩa nguyên nhân cuối cùng về căn bệnh này vẫn còn nhiều ý kiến rất khác nhau. Trong khi đó, ngành y tế lại đang triển khai phẫu thuật đại trà cho các cháu, liệu có hợp lý không?

- Hội đồng chuyên môn của BV Nhi TƯ nghiên cứu căn bệnh này (do Bộ Y tế giao nhiệm vụ) gồm đầy đủ các giáo sư chuyên ngành y khoa có liên quan đến căn bệnh (thần kinh, cơ xương khớp, nhi...). Với nhiều máy móc hiện đại, các bác sĩ BV Nhi TƯ đã làm nhiều xét nghiệm, đặc biệt là kỹ thuật siêu cấu trúc tế bào để tìm các yếu tố gây bệnh. Không chỉ loạn dưỡng cơ mà cả các bệnh thần kinh khác như bại liệt cũng đã được nghĩ đến và được làm các xét nghiệm.

Một trong nguyên nhân mà giới khoa học nghi ngờ là do yếu tố loạn dưỡng cơ đã bị loại trừ. Chúng tôi cũng đã gửi 100 mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm ở mức độ siêu cấu trúc, soi dưới kính hiển vi điện tử và được khẳng định tất cả đều là tổ chức cơ xơ hóa. Vì vậy, trong thuật ngữ gọi tên bệnh này cũng cần bỏ từ “teo cơ”, vì các cháu không bị teo cơ mà chỉ bị xơ hóa cơ Delta.

Việc nghiên cứu nguyên nhân đang hết sức khẩn trương để chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, không phải chỉ ở Việt Nam mà cả trong y học toàn thế giới, có những căn bệnh dù chúng ta chưa biết nguyên nhân nhưng vẫn điều trị rất hiệu quả. Đó là chưa kể bệnh xơ hóa cơ Delta đã được ghi trong y văn thế giới với cả triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị.

- Thực tế thì kết quả phẫu thuật ra sao?

Hôm qua, 25-5, tại Hà Nội, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phát động gây quỹ ủng hộ phẫu thuật cho trẻ em bị mắc bệnh xơ teo cơ Delta. Theo đó, quỹ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước ủng hộ quỹ để có thể tập trung giải quyết phẫu thuật cơ bản số lượng trẻ em bị teo cơ Delta trong 3 tháng hè tới, để đến năm học mới các em kịp đến trường. Ngay trong buổi phát động, đã có 545 triệu đồng ủng hộ chương trình này, trong đó Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam ủng hộ 200 triệu đồng, Quỹ Unilever VN 100 triệu đồng, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều 130 triệu đồng...P.T.

- Rất đáng mừng là sau khi phẫu thuật, có thể thấy kết quả ngay trong 3 ngày (các cháu hết dấu hiệu bị bệnh), chỉ duy nhất dấu hiệu bả vai còn hơi sệ nhưng sẽ mất trong vòng 6-12 tháng sau mổ. Một điều chắc chắn là không lo các cháu bị biến chứng sau mổ.

- Việc phẫu thuật cho các cháu đang được triển khai đại trà ở các địa phương. Liệu điều đó có an toàn không?

- Bộ Y tế đã ban hành quy trình kỹ thuật điều trị bệnh xơ hóa cơ Delta. Trên cơ sở đó, hiện BV Nhi TƯ đang tiến hành chuyển giao cho bệnh viện các địa phương. Cách làm là rất chặt chẽ, từ việc hướng dẫn bác sĩ chẩn đoán bệnh, gây mê, phẫu thuật, phục hồi chức năng...

Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế lớn ở 3 miền như: BV Nhi Trung ương, BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy TPHCM chịu trách nhiệm điều trị cho các trường hợp teo cơ Delta ở các tỉnh lân cận. Vì vậy chất lượng điều trị không có gì phải bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên:
Bộ Y tế không chậm trễ!

- Dư luận cho rằng Bộ Y tế rất chậm trễ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến căn bệnh này?

- Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên: Nói Bộ chậm trễ là không thỏa đáng. Vì ngay sau khi phát hiện bệnh xuất hiện nhiều ở Hà Tĩnh, Bộ đã thành lập đoàn vào Hà Tĩnh, ngay sau đó đã thành lập hội đồng chuyên môn, giao BV Nhi TƯ làm đề tài nghiên cứu, ban hành quy trình kỹ thuật điều trị căn bệnh này, phối hợp với Bộ KH-CN xây dựng đề tài cấp nhà nước...

Tất cả được triển khai khá khẩn trương trên tinh thần chữa trị hết sức cho các cháu. Tuy nhiên, chúng tôi còn “nợ” nguyên nhân gây bệnh, cái đó còn cần thêm thời gian. Còn trước mắt, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương phẫu thuật cho các cháu bị bệnh trong dịp hè này để các cháu có thể kịp lành bệnh vào năm học mới. Bộ cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong việc phẫu thuật cho các cháu bị bệnh.

QUANG PHƯƠNG

Thông tin liên quan:

Ủng hộ trên 500 triệu đồng phẫu thuật cho trẻ xơ hóa cơ Delta

Nên uống hoặc tiêm kháng sinh theo đường tĩnh mạch

 

Tin cùng chuyên mục