Phẫu thuật ngay tại khoa Cấp cứu cho bệnh nhân bị xe lu cán

Ngày 16-9, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã tiến hành phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân L.T.P (31 tuổi, ngụ Yên Bái) ngay tại phòng mổ khoa Cấp cứu.
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 19 giờ 16 phút ngày 15-9 trong tình trạng mê, thở hước, mạch 120 lần/phút, huyết áp không đo được. Bệnh nhân được chẩn đoán trước mổ là sốc mất máu, chấn thương khung chậu, chấn thương bụng kín, vết thương phức tạp vùng bẹn đùi phải, dập nát đùi cẳng chân phải.

Trước đó, 14 giờ ngày 15-9 tại công trình Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận Tiền Giang, chị L.T.P đang làm công nhân xúc sỏi thì bị xe lu tông phải.

Sau tai nạn, bệnh nhân bị vết thương dập nát lóc da phức tạp vùng bẹn đùi phải và được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm Tiền Giang xử trí bước đầu (bù 2 đơn vị hồng cầu lắng, giảm đau, cột tĩnh mạch chậu ngoài) và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngay tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chỉ định đặt nội khí quản, hồi sức tích cực và tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa: Gan Mật Tụy; Phẫu thuật Mạch máu; Chấn thương chỉnh hình; Tiết niệu; Ngoại thần kinh.

Nhận định mức độ nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong tức thì, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã tiến hành phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân ngay tại phòng mổ khoa Cấp cứu.

Quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân kết thúc lúc gần 6 giờ sáng ngày 16-9 với chẩn đoán sau mổ là: choáng mất máu, vỡ đoạn cuối hồi tràng, dập nát đùi cẳng chân phải, toát khớp mu, vỡ nát khung chậu phải, tổn thương bó mạch chậu ngoài phải, vỡ bàng quang ngoài phúc mạc.

Đánh giá về tình hình sức khỏe hiện tại của nữ bệnh nhân L.T.P, ThS-BS Nguyễn Bá Duy, khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thuốc vận mạch sử dụng cho bệnh nhân đã giảm đáng kể, huyết áp đang được duy trì trong giới hạn bình thường.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân này, quá trình hồi sức cần thời gian kéo dài, bệnh nhân cần tiếp tục được truyền các chế phẩm máu do rối loạn đông máu vẫn tiếp diễn, nguy cơ tổn thương gan thận có thể có do tình trạng sốc mất máu kéo dài của 1 cuộc mổ lớn và thời gian để hồi phục sau chăm sóc vết thương của mỏm cụt sau đó.

"Bệnh nhân đã vượt qua được “cửa tử” một lần nhưng tiên lượng phía trước vẫn còn rất khó khăn", bác sĩ Nguyễn Bá Duy cho hay.

Tin cùng chuyên mục