Rơi máy bay quân sự do sự cố kỹ thuật
Sáng 7-7, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra khi chiếc máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân trong khi đang bay huấn luyện nhảy dù đã gặp sự cố về kỹ thuật làm máy bay bị cháy và rơi tại thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thông tin ban đầu cho biết, vụ tai nạn đã khiến 17/21 cán bộ, chiến sĩ trên máy bay tử nạn. Rất may trước khi máy bay rơi, phi công và tổ lái đã kịp thời bẻ lái, điều khiển để chiếc máy bay không rơi xuống khu dân cư.
Ám ảnh kinh hoàng
Nhiều người dân sống gần chợ Hòa Lạc (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) chỉ cách vị trí máy bay rơi chưa đầy 500m không giấu nổi sự bàng hoàng khi chứng kiến lúc chiếc máy bay bị nạn. Anh Nguyễn Văn Đức, một trong những người dân đầu tiên có mặt ở hiện trường vụ tai nạn kể với phóng viên Báo SGGP, khoảng 7 giờ 40, khi anh đang ăn sáng ở chợ Hòa Lạc thì bỗng có tiếng động cơ gầm rú rất lớn ở phía trên đầu, ngước lên thì thấy một chiếc trực thăng quân sự đang bốc khói bay rất thấp. Khi tới gần đoạn chợ Hòa Lạc, chiếc máy bay bỗng dưng bẻ lái và nhanh chóng rơi xuống khu vườn cạnh cánh đồng gần đó và kèm theo một tiếng nổ lớn. “Nhìn về phía máy bay rơi, tôi thấy lửa cháy ngùn ngụt nhưng vẫn cùng 6 người dân khác chạy tới cứu hộ. Khi đưa được một số chiến sĩ bị thương ra ngoài, lại thêm một tiếng nổ lớn cùng lửa cháy mạnh khiến chúng tôi phải lùi ra xa” - anh Đức chia sẻ.
Cũng trong trạng thái bàng hoàng khi chứng kiến vụ tai nạn xảy ra quá thảm khốc, anh Thanh, một người dân tham gia cứu hộ cùng anh Đức cho biết, khi tiếp cận hiện trường các anh đã phải phá một bức tường ngăn. “Vào tới gần nơi máy bay rơi, chúng tôi rất kinh sợ khi chứng kiến cảnh chiếc máy bay vỡ tan, xung quanh lửa bốc lên ngùn ngụt cùng đó là rất nhiều chiến sĩ bộ đội bị cháy và bỏng, ám khói đen kịt nằm ngổn ngang”. Sau vài phút bình tĩnh trở lại, những người dân ở đây đã bẻ cành cây và xách những xô nước nhỏ vào dập lửa, cố gắng đưa các chiến sĩ bị nạn ra ngoài. Sau đó không lâu thì xe cứu hỏa và cứu thương của quân đội tới được khu vực máy bay rơi và tổ chức cấp cứu. Anh Thanh cũng cho biết thêm, trước khi rơi, chiếc máy bay chỉ cách mái nhà khoảng gần 20m. “Dường như phi công đã cố bay để vượt qua khỏi khu chợ, trước khi lao xuống đất. Tổ bay đã rất dũng cảm để tránh lao xuống nhà dân xung quanh, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề” - anh Thanh xúc động nói. Sau khi tai nạn xảy ra, một số người dân đã mang nhiều bát hương đặt ở hiện trường, thắp hương tưởng nhớ những chiến sĩ tử nạn.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên Báo SGGP được gặp một nhân chứng đặc biệt là trung úy Vương Tá Hùng (30 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội, một chiến sĩ đặc công), người duy nhất may mắn đã thoát khỏi chuyến bay gặp tai nạn kinh hoàng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105. Người nhà của trung úy Hùng cho biết: Lẽ ra anh Hùng tham gia nhảy dù trong chuyến bay huấn luyện trên nhưng vì sau khi chốt danh sách chuyến bay, anh Hùng đã không có tên. Ở dưới mặt đất khi chứng kiến chiếc máy bay chở đồng đội của mình bị bốc cháy, anh Hùng đã nhanh chóng tới hiện trường để tham gia cứu hộ. Nhưng khi chứng kiến cảnh tượng thương vong quá khủng khiếp của đồng đội sau vụ tai nạn, anh Hùng đã bị sốc và ngất đi. Được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105, anh Hùng đã rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, ai hỏi gì đều chỉ biết lắc và gật đầu.
Sự cố kỹ thuật
Theo thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân và Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, chiếc máy bay quân sự gặp nạn là loại máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Chiếc máy bay trên cất cánh từ sân bay Hòa Lạc lúc 7 giờ 30 đến 7 giờ 46 thì mất liên lạc và sau đó ít phút thì máy bay đã bị rơi tại khu vực thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Vào thời điểm gặp nạn, trên máy bay có 21 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó tổ lái có 3 người; 2 giáo viên hướng dẫn và 16 chiến sĩ. Vụ tai nạn xảy ra đã khiến cho 16 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ; 5 người còn lại bị thương và bỏng rất nặng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 (cách hiện trường máy bay rơi khoảng 10km). Ngay sau khi 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105, các bác sĩ với các chuyên gia đầu ngành đã cấp cứu tích cực ban đầu và hội chẩn với quyết định chuyển tất cả 5 nạn nhân bị thương xuống Bệnh viện Quân y 103 và Viện Bỏng quốc gia vì tình trạng sức khỏe của cả 5 người đều rất nguy kịch. Cho tới chiều cùng ngày, thông tin từ Viện Bỏng quốc gia cho biết, trong 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương nặng đã có thêm 1 người hy sinh. 4 nạn nhân còn lại đang được các y bác sĩ của viện tập trung cứu chữa với tinh thần “còn nước, còn tát”.
Ngay sau vụ tai nạn trên xảy ra, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo đơn vị tập trung nỗ lực cao nhất khắc phục hậu quả. Thượng tướng Lê Hữu Đức - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trung tướng Mai Quang Phấn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng Tư lệnh, Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Thượng tướng Lê Hữu Đức chỉ đạo các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẩn trương triển khai các công việc cần thiết, trong đó đặc biệt nhấn mạnh Viện Bỏng quốc gia và các bệnh viện trong quân đội huy động mọi nguồn lực, tập trung cao nhất cho việc cứu chữa các cán bộ, học viên bị thương. Đối với các trường hợp đã hy sinh, cần giám định ADN nhằm xác định danh tính trong thời gian sớm nhất, tổ chức truy điệu và an táng trọng thể, phù hợp với nguyện vọng của các gia đình. Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ngoài phối hợp tốt với các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. Nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần và nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của các gia đình có quân nhân bị hy sinh và bị thương.
Về phía Bộ Y tế cũng đã khẩn cấp chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội huy động các y, bác sĩ giỏi để khẩn trương cứu chữa cho các nạn nhân vụ rơi máy bay quân sự. Về phía Sở Y tế Hà Nội cũng đã điều động các đội y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất có mặt tại hiện trường, phối hợp với Bệnh viện quân đội 105 kịp thời cấp cứu người bị tai nạn.
Trao đổi với báo chí sau khi kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết lực lượng chức năng đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay bị nạn. Cơ quan chức năng đang phân tích nguyên nhân tai nạn dựa trên hộp đen này. Bước đầu có thể khẳng định máy bay bị tai nạn do sự cố kỹ thuật, không có yếu tố phá hoại. Phó Tổng Tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn nhấn mạnh, khi chiếc máy bay gặp sự cố, bốc cháy, tổ lái và phi công điều khiển chiếc trực thăng trên đã rất dũng cảm, bình tĩnh khi cố gắng điều khiển chiếc máy bay ra xa khỏi khu vực dân cư để tránh gây thiệt hại cho người dân dưới mặt đất. “Đây thực sự là một vụ tai nạn gây tổn thất rất lớn và đau xót. Bộ Quốc phòng sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời những người bị thương và gia đình các liệt sĩ, cũng như tổ chức lễ truy điệu trọng thể, trang nghiêm cho những cán bộ, chiến sĩ hy sinh...” - Trung tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.
| |
BẢO MINH - NGUYỄN QUỐC
- Vụ trực thăng rơi tại Hòa Lạc, Hà Nội: 17 người tử vong