(SGGP).- Chiều tối 5-10, phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc. Trong phiên họp này, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm.
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc phải ban hành luật này do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay chủ yếu điều chỉnh quan hệ xã hội về việc làm của nhóm đối tượng có quan hệ lao động (thông qua hợp đồng lao động), trong khi đó số lượng lao động không có quan hệ lao động ở nước ta lại rất lớn, nhưng chưa có luật điều chỉnh, quản lý. Đáng lưu ý, dự luật dành hẳn một chương quy định về thị trường lao động. Đây là lần đầu tiên nội dung này được quy định trong văn bản pháp luật.
Thống nhất cơ bản với quan điểm và sự cần thiết phải ban hành Luật Việc làm, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH nhấn mạnh, chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội.
Góp ý về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, quy định về Quỹ Việc làm trong luật này vừa rất rối vừa mâu thuẫn với Bộ luật Lao động vừa được QH thông qua, giữa năm tới có hiệu lực. Về bảo hiểm việc làm, cơ bản không thấy khác gì bảo hiểm thất nghiệp, không lý gì phải quy định thêm trong luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, nhóm lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và người lao động làm việc ở Việt Nam đã có các văn bản luật khác điều chỉnh, không nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của luật này.
Tán thành quan điểm của ông Đào Trọng Thi, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị không đưa vào luật này nhiều vấn đề đã được quy định trong các văn bản luật khác. Về bảo hiểm việc làm, nên mở rộng đối tượng được bảo hiểm (không chỉ chi trả cho người mất việc mà còn hỗ trợ duy trì, phát triển việc làm) và quy định trong Luật Việc làm để tạo sự kết nối trong mục tiêu và quá trình hướng tới việc làm bền vững.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: Quy định trong dự thảo luật về cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là khó khả thi. Chưa có chính sách cụ thể nào trong dự luật này, tất cả còn rất chung chung. Trình ra QH dự thảo này chắc QH sẽ phê bình.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng kết luận: Ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm dự luật và chuẩn bị nghị định hướng dẫn. Chưa trình dự luật tại kỳ họp tới.
A.THƯ