Một bộ phim thành công, không chỉ nhờ có đạo diễn, dàn diễn viên tài năng, nhà quay phim sáng tạo, ê kíp thực hiện chuyên nghiệp, mà còn phụ thuộc vào nhà sản xuất phim.
Chân dung nhà sản xuất
Đối với nền điện ảnh quốc tế, tên tuổi của nhà sản xuất bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên và rất trân trọng bên cạnh người đồng nghiệp đạo diễn. Còn ở Việt Nam, cụm từ này đã dần quen với khán giả, khi số đầu phim sản xuất được tăng dần qua mỗi năm.
Điện ảnh Việt Nam thời bao cấp, nhà sản xuất trước đây chính là giám đốc một hãng phim nhà nước, kiêm luôn vị trí giám đốc sản xuất trong mỗi bộ phim. Hàng năm, các hãng phim thực hiện theo kế hoạch, sự kiện đặt hàng qua từng đề tài sẽ được nhà nước cấp kinh phí và kiểm duyệt. Sau khi thành lập các đoàn phim, giám đốc sẽ giao phim cho đạo diễn, cùng một số thành phần chính như quay phim, diễn viên… để thực hiện. Giám đốc không cần có mặt liên tục trong quá trình sản xuất phim. Riêng phần phát hành có đơn vị chức năng riêng (công ty phát hành và chiếu bóng). Ngày nay, vị trí của vị giám đốc kiêm nhà sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước cũng như hãng phim tư nhân đa dạng hơn nhiều, nhất là trước tình hình kinh phí làm phim luôn quá ít. Vì vậy nhà sản xuất phải là người biết nhận định, phán đoán ngay từ việc tìm ý tưởng, phát triển kịch bản theo gu thẩm mỹ nghề nghiệp và giải trí của khán giả. Cần nhạy bén chọn lựa đạo diễn, diễn viên, kịp thời xây dựng kế hoạch, lịch trình sản xuất, hậu kỳ và phát hành phim. Song song những chức năng trên, nhà sản xuất không chỉ là người đứng ra đầu tư, tìm nguồn đầu tư cho bộ phim, mà còn phải nhìn ra được tính khả thi cao nhất khi sản xuất và khâu kiểm duyệt một bộ phim.
Thời gian qua, nhiều tác phẩm của các hãng phim ra đời từ nhiều góc nhìn và khuynh hướng thể hiện đổi mới khác nhau đã được hội đồng duyệt quốc gia thẩm định, kiểm duyệt để đến với công chúng. Song trong đó cũng có những tác phẩm chưa phù hợp với bản sắc cũng như lý tưởng sống của mỗi quốc gia. Vì vậy, ngay từ đầu khi sản xuất phim, nhà sản xuất cùng các thành phần đoàn phim luôn phải biết hài hòa, ý thức trách nhiệm trong sáng tác đến khi kiểm duyệt là điều rất cần thiết.
Ở thế giới có những nhà sản xuất chuyên nghiệp nổi tiếng như: Walt Disney, Stanley Kubric, Jerry Bruckheimer, Don Simpson… Hay khởi nghiệp của họ từ vị trí phó đạo diễn, đạo diễn, biên kịch, diễn viên, nhà văn như: Steven Spielberg, George Lucas, Aaron Spelling. Ở Việt Nam, ngoài những giám đốc kiêm nhà sản xuất của hãng phim nhà nước (nay là công ty TNHH một thành viên) thì có các hãng phim tư nhân đã để lại nhiều dấu ấn như: Thái Hòa, Đào Thu, Lý Huỳnh, Phước Sang, Thiên Ngân, BHD, Chánh Phương phim, Phương Nam phim…
Chia sẻ từ những người trong cuộc
Nhà sản xuất phim Thiên Ngân ( Galaxy Studio)- Giám đốc Bích Ngọc, từng sản xuất 12 phim, trong đó có những phim ấn tượng như: Những cô gái chân dài, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Long ruồi, Mỹ nhân kế… nhận định: “Nhà sản xuất phim, khi tên của họ gần như là “thương hiệu” không thể thiếu để quyết định chất lượng bộ phim. Để đạt tới tầm này, khả năng của nhà sản xuất không chỉ là những cảm quan nghề nghiệp, quan hệ với các đối tác mà còn là sự đam mê với nghề. Tiền là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng không phải số một, vấn đề là làm thế nào với số tiền đó cho hiệu quả cao nhất. Vì vậy muốn trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp, đầu tiên là phải tập trung định hướng rõ bộ phim mình muốn làm và phải tìm mọi cách để đi theo nó tới cùng”.
Nhà sản xuất kiêm giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giải Phóng phim Thái Hòa khẳng định: Muốn trở thành nhà sản xuất phim chuyên nghiệp, phải bắt đầu từ khâu đào tạo trong nhà trường, bên cạnh đó họ phải là những người có tư duy tổ chức, nhạy bén về kinh tế và một tình yêu nghệ thuật. Đó là một cái đầu có khả năng phán đoán và sắp xếp đầu việc thật khoa học, hiệu quả. Đây là công việc mà hiện các nhà điện ảnh Việt Nam đang loay hoay, chuyển đổi để dần nâng tầm đến một vị thế chuyên nghiệp.
Nhà sản xuất Chánh Phương phim Nghiêm Phạm, từng sản xuất 8 phim, trong đó có phim gây tiếng vang như Dòng máu anh hùng, Cú và chim Se sẻ, Bẫy rồng… bày tỏ: Có thể nói công việc của nhà sản xuất phim rất vất vả, phải lo toan từ A tới Z, giống như chăm con mọn. Chúng ta cần có quan điểm coi nhà sản xuất như người cha, người đạo diễn như người mẹ. Nếu không có cha mẹ, thì làm sao có những đứa con. Song điều quan trọng là chúng tôi luôn thống nhất các tiêu chí hoạt động: đoàn kết và chuyên nghiệp. Với Chánh Phương, việc thuyết phục vốn đầu tư hoàn toàn không khó, mà khó nhất vẫn là thiết lập dự án làm phim thế nào cho hiệu quả về doanh thu, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nội dung và cách thể hiện. Phải hiểu, nắm bắt được thị hiếu khán giả, thị trường Việt Nam, ngoài các yêu cầu tất yếu về chất lượng, quảng cáo và thời điểm.
THIỆN THÀNH