Phim “Rừng Na Uy” - Tính dục của thanh niên Nhật Bản qua góc nhìn đạo diễn Việt

Gác cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Haruki Murakami qua một bên, chỉ tập trung vào câu chuyện mà đạo diễn Trần Anh Hùng sẽ kể bằng ngôn ngữ điện ảnh của riêng anh với không ít tò mò: liệu câu chuyện tính dục này sẽ được thể hiện ra sao trên màn ảnh?
Phim “Rừng Na Uy” - Tính dục của thanh niên Nhật Bản qua góc nhìn đạo diễn Việt

Gác cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Haruki Murakami qua một bên, chỉ tập trung vào câu chuyện mà đạo diễn Trần Anh Hùng sẽ kể bằng ngôn ngữ điện ảnh của riêng anh với không ít tò mò: liệu câu chuyện tính dục này sẽ được thể hiện ra sao trên màn ảnh?

Câu chuyện được mở ra với những khuôn hình đầu tiên quen thuộc đến độ cứ ngỡ đây là một bộ phim Việt Nam. Cũng may sự liên tưởng chỉ dừng lại trong chốc lát để sau đó người xem bước ngay vào đời sống của đại bộ phận tầng lớp thanh niên Nhật Bản những năm 1960.

Dấu ấn của một đạo diễn gốc Việt cũng khép lại nhường chỗ cho những gì mà khán giả cảm nhận được từ những hình ảnh độc đáo mà bộ phim đem đến, những nhân vật với những tâm trạng vô cùng phức tạp, sự cô đơn cùng cực, nỗi ám ảnh, những bế tắc không thể giải quyết và trên hết là những cuộc nổi loạn để bùng nổ, giải thoát những cảm xúc mang tính cá nhân.

Một cảnh trong phim “Rừng Na Uy”.

Một cảnh trong phim “Rừng Na Uy”.

Thật không dễ dàng để thưởng thức một bộ phim như “Rừng Na Uy” và cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu đây sẽ là một bộ phim kén khách. Một câu chuyện không thuộc về số đông cũng như không thuộc về những ai thích tìm cho mình những giây phút giải trí thoải mái. Bộ phim ám ảnh và nhức nhối ngay cả khi nó đã khép lại. Tất nhiên, nó cũng đã nhẹ nhàng hơn nhiều so với sự ám ảnh từ nguyên tác của cuốn tiểu thuyết cùng tên.

Hai vấn đề nổi cộm trong câu chuyện này đó là tính dục và tự tử. Có lẽ, chưa một giai đoạn nào trước đó trong xã hội Nhật Bản vấn đề tính dục lại được đề cập một cách thoải mái như thế. Những cô cậu học trò yêu nhau từ 13 - 14 tuổi và quan hệ với nhau khi mới 16 - 17 tuổi.

Vấn đề quan hệ tình dục và nói về nó một cách thẳng thắn, công khai càng trở nên phổ biến khi họ bước vào ngưỡng cửa đại học. Yêu là quan hệ, thậm chí không yêu cũng quan hệ. Tình dục như một giải pháp để giải quyết những bức bách về mặt tinh thần, nhưng mặt khác chính nó cũng tạo nên những mâu thuẫn trong chính tâm hồn của các bạn trẻ. Những cô gái tìm đến sự tự do, phóng khoáng, chủ động trong yêu đương nhưng cũng lại khao khát được yêu thật nghiêm túc, thật chung thủy, được sống với tình yêu theo đúng nghĩa.

Những chàng trai không tìm được lý tưởng sống cho mình, một là buông thả bản thân, hai là chạy trốn chính mình trong một thế giới do mình tạo ra. Tất cả bọn họ khi không thể thoát ra được những bế tắc đều tìm đến với cái chết và coi đó như một sự giải thoát duy nhất của đời mình.

Không phải không có lý do mà Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có số lượng người trẻ tự tử lớn nhất trên thế giới. Dù Watanabe và Naoko là hai nhân vật chính trong bộ phim, nhưng khán giả tìm thấy ở xung quanh hai nhân vật những số phận dù thoáng qua vẫn cũng để lại những ám ảnh sâu sắc.

Những Kizuki tự tử ở tuổi 17 mà không rõ nguyên nhân, để lại nỗi ám ảnh đau đớn cho 2 nhân vật chính. Midori – người con gái chủ động bước vào cuộc đời Watanabe để đòi có một tình yêu cho riêng mình; người bạn trai cùng ký túc xá với Watanabe có cuộc sống buông thả, với quan niệm sống ích kỷ ngay cả với chính mình và cô bạn gái của cậu ta cũng đã phải tìm đến cái chết để giải thoát tình yêu vô vọng. Cô giáo dạy nhạc, cũng là một bệnh nhân, người được giao trông coi Naoko trong bệnh viện tâm lý…

Có thể nói, để chọn những chi tiết đắt giá của tiểu thuyết và chuyển tải trọn vẹn nó trong một bộ phim là điều không đơn giản nhưng đạo diễn Trần Anh Hùng đã làm được điều đó. Và điều mà anh đã làm được đối với một bộ phim có đề tài nhạy cảm như “Rừng Na Uy” đó là những cảnh nóng vẫn nóng nhưng không hề tạo cảm giác dung tục, những lời thoại rất thoáng nhưng không thô tục. Một bộ phim tính dục nhưng yếu tố tính dục không bị “lợi dụng” làm cái “cần câu” khách, tất cả đều hợp lý, hợp hoàn cảnh, tình huống trong phim.

Một lần nữa tài năng sử dụng hình ảnh của đạo diễn “Mùi đu đủ xanh” lại phát huy trong “Rừng Na Uy”, đó không đơn thuần là những hình ảnh đẹp mang tính minh họa cho bộ phim mà đó là những góc máy khiến cho thiên nhiên phải lên tiếng nói giùm tâm trạng nhân vật. Những đồng cỏ, những cánh rừng, những triền đồi với màu sắc thay đổi theo mùa phù hợp với từng cung bậc cảm xúc của nhân vật, đặc biệt là hốc đá chênh vênh bên bờ biển, những cơn sóng biển giận dữ thét gào đã mô tả trọn vẹn nhất sự cô đơn, đau đớn, giận dữ, bế tắc của nhân vật Watanabe khi nhận được tin báo Naoko tự tử.

Và âm nhạc, một thành công nữa mà không thể không nhắc đến trong bộ phim này. Âm nhạc đã khắc họa trọn vẹn những gì không thể nói được thành lời mà bộ phim muốn làm tăng thêm cảm xúc của người xem.

Công chiếu chính thức từ ngày 7-1-2011 tại các cụm rạp Galaxy của TPHCM, “Rừng Na Uy” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng đang là sự chờ đợi của không ít khán giả trong dịp đầu năm mới. 

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục