Phim “Tiệc trăng máu“: Bản Việt hóa tròn trịa

Được Việt hóa từ kịch bản mang tính “toàn cầu”, đầu tư kinh phí lớn, có sự tham gia của dàn diễn viên tài năng, không mấy bất ngờ khi Tiệc trăng máu được đánh giá cao.

Tiệc trăng máu được làm lại trên nền tảng của Perfect Strangers (tựa gốc Perfetti Sconosciuti, phát hành năm 2016). Bộ phim của điện ảnh Italy đã trở thành nguồn cảm hứng, lan tỏa khắp 13 quốc gia trong vòng 4 năm qua.

Tại Việt Nam, việc Việt hóa tác phẩm này cũng được đánh giá là dự án gây chú ý bậc nhất trong năm 2020. Bộ phim quy tụ ê kíp gồm những gương mặt đình đám: đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, dàn diễn viên: Hồng Ánh, Đức Thịnh, Thái Hòa, Thu Trang, Hứa Vỹ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn cho đến dàn khách mời chỉ góp giọng: Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Ngô Kiến Huy…

Nội dung của Perfect Strangers xoay quanh buổi họp mặt của nhóm bạn thân, và một thành viên bất ngờ đề xuất trò chơi chia sẻ điện thoại nhằm tăng tinh thần “đoàn kết”. Từ đó, những góc khuất của từng người dần hé lộ và khiến cho mối quan hệ vốn khăng khít của họ bắt đầu lay chuyển.

Không phải ngẫu nhiên Perfect Strangers lập kỷ lục phim được làm lại (remake) nhiều nhất trong thời gian ngắn khi Tiệc trăng máu đã là phiên bản thứ 18. Đầu năm 2019, khán giả Việt cũng có cơ hội thưởng thức phiên bản Hàn - Intimate Strangers (Người quen xa lạ) trên màn ảnh rộng. Phim sở hữu câu chuyện mang tính toàn cầu, khai thác những vấn đề nóng hổi của xã hội đương thời có thể gặp ở bất kỳ quốc gia nào. Và mỗi bản remake lại có những dấu ấn nhất định khi khéo léo lồng ghép văn hóa bản địa vào trong đó.

Ở phiên bản Việt, khán giả có thể bắt gặp mình đâu đó trong phim qua những câu chuyện như: những cuộc hôn nhân nguội lạnh; quan hệ không thuận hòa của bố vợ - con rể, mẹ chồng - nàng dâu; chuyện tình dục trước hôn nhân; quan điểm nuôi dạy con cái; quan hệ bạn bè; chuyện đồng tính; phẫu thuật thẩm mỹ… Tất cả đã được đan cài và tạo thành những lớp lang với nhiều xung đột, mâu thuẫn, cao trào liên tục được đẩy lên cao.

“Bản tính con người cũng giống như trăng máu, có thể bị che lấp đi trong chốc lát, nhưng cuối cùng thì cũng sẽ lộ ra”, thông điệp của bộ phim đã nói lên tất cả. Lợi thế với kịch bản gốc xuất sắc, ê kíp cũng nỗ lực đưa vào phim một số chi tiết thuần Việt, điển hình như phần mở đầu, phần lời thoại được trau chuốt hay món bánh khọt được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần.

Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua diễn xuất của dàn diễn viên. Một Thu Trang bùng nổ và liên tục biến thiên về tâm lý, cảm xúc là điểm nhấn thú vị của bộ phim. Một Thái Hòa dạn dày với lối diễn tự nhiên về cả cử chỉ, điệu bộ cho đến tâm lý. Một Đức Thịnh đầy bất ngờ với vai diễn có chiều sâu về cảm xúc. Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Kaity Nguyễn, Kiều Minh Tuấn cũng khá tròn trịa và để lại ấn tượng tốt với khán giả.

Tuy nhiên, nếu khán giả đã xem qua bản phim của Italy hay Hàn Quốc sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phim không tạo ra cảm giác quá mới mẻ khi vẫn bám sát nguyên gốc cả về tình tiết, lời thoại, diễn xuất. Một số phân đoạn mang đến cảm giác dài dòng, lộ rõ tính sắp đặt và hành xử của nhân vật, đôi khi có chút giáo điều, gượng gạo. Phim cũng cài cắm những hình ảnh quảng bá cho các thương hiệu với những khung hình cận, được nhắc đi nhắc lại hơn 1 lần.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ: “Tiệc trăng máu là một thử thách không chỉ với cá nhân tôi mà còn với toàn bộ ê kíp và dàn diễn viên. Có thể nói đây là dự án tham vọng nhất trong sự nghiệp của tôi”. Khai phá thể loại mới - hài đen (những mảng miếng hài duyên dáng nhưng châm biếm sâu cay), về tổng thể, Tiệc trăng máu vẫn là bộ phim tròn trịa.

Phim khởi chiếu chính thức tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 23-10.

Tin cùng chuyên mục