Phim truyền hình xưa vẫn “ăn khách”

Khó khăn về bối cảnh, chi phí đầu tư cao, nhưng đổi lại phim truyền hình xưa luôn được khán giả đón nhận. Đó là lý do nhiều ê kíp chấp nhận thực hiện nhằm mang đến cho khán giả những “món ăn” tinh thần hấp dẫn.  
Bộ phim Yêu trong đau thương được đầu tư bối cảnh, đạo cụ kỹ lưỡng. Ảnh: ĐPCC
Bộ phim Yêu trong đau thương được đầu tư bối cảnh, đạo cụ kỹ lưỡng. Ảnh: ĐPCC

Phim nối phim

Lúc 19 giờ 45 hàng ngày, từ ngày 27-7, bộ phim Đò xuôi vạn lý (đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc và DK Phát) lên sóng SCTV14. Phim hứa hẹn mang đến những pha hành động đẹp mắt, những màn võ thuật gay cấn; đồng thời có nhiều cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đò xuôi vạn lý với sự góp mặt của dàn diễn viên Quang Sự, Oanh Kiều, Dương Cẩm Lynh, Thanh Bình, Lâm Minh Thắng...  

Nối tiếp dòng phim xưa, trên sóng VTV3, lúc 14 giờ các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần từ ngày 1-8 là Yêu trong đau thương. Bộ phim của đạo diễn Chu Thiện lấy bối cảnh miền Tây Nam bộ, xoay quanh câu chuyện tình tay ba đầy ngang trái. Phim được NSƯT Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), đánh giá cao: “Lâu lắm chúng ta mới có bộ phim đưa khán giả về những năm 60 của thế kỷ trước nhờ cách làm hết sức chi tiết và tỉ mỉ của anh Chu Thiện”. 

Trên sóng Truyền hình Vĩnh Long 1 (THVL1), lúc 20 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần là bộ phim Dâu bể đường trần (đạo diễn Xuân Phước) dài 55 tập, với dàn diễn viên quen thuộc: Hà Trí Quang, Thúy Diễm, Lương Thế Thành, Thanh Duy, Kha Ly… Phim gửi gắm thông điệp, bài học về luật nhân quả báo ứng của lối sống kim tiền thực dụng, đồng thời tôn vinh những giá trị tốt đẹp về thuần phong mỹ tục, hướng thiện, trừ ác… 

Cũng trên sóng THVL1, lúc 3 giờ 50 và 8 giờ 30 hàng ngày, là một bộ phim từng là hiện tượng của làng phim truyền hình năm 2019: Tiếng sét trong mưa (đạo diễn Nguyễn Phương Điền). Trong danh sách các phim truyền hình xưa gây tiếng vang vài năm trở lại đây trên các kênh sóng còn có thể kể đến: Thương nhớ ở ai, Luật trời, các phim trong series Xin chào hạnh phúc… Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng hé lộ thông tin anh đang trong quá trình chuẩn bị cho bộ phim Vợ quan, một phim xưa tiếp theo của anh. 

Là đơn vị tâm đắc với dòng phim xưa, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS, chia sẻ: “Trước khi Mega GS quyết định làm phim xưa chiếu trên VTV, chúng tôi có thăm dò thị trường. Nhiều người đặt ra câu hỏi, khán giả phía Bắc có thích phim xưa hay không? Khi Tiếng sét trong mưa phát sóng, khán giả miền Tây biết nhiều nhờ kênh THVL rất mạnh khu vực này. Nhưng ngay cả khán giả miền Bắc cũng hỏi tôi, tại sao không chiếu phim trên VTV để mọi người cùng xem”.

May và rủi song hành

Với bất kỳ ê kíp thực hiện phim xưa nào, bối cảnh là bài toán nan giải. Đạo diễn Phương Điền khi thực hiện Tiếng sét trong mưa đã chia sẻ: “Để có được những hình ảnh đẹp trong phim, chúng tôi phải cố gắng đi rất nhiều địa điểm. Khi nhận kịch bản, tôi nghĩ mình tự làm khó mình. Theo cách truyền thống là vào những nhà cổ đã cho các phim quay, với từng đó tiền, khu vực dễ di chuyển, thuận tiện cho cả diễn viên. Tuy nhiên, tôi không muốn hình ảnh trùng lặp và thế là quyết tâm đi tìm những ngôi nhà cổ mới”. 

Đạo diễn Chu Thiện cũng cho biết thêm: “Bối cảnh chính trong phim là ngôi nhà bà Hội đồng. Chúng tôi xuống Gò Công (Tiền Giang) tìm kiếm được một ngôi nhà trống. Tôi bàn bạc với anh Mã Phi Hải tìm cách sắp đặt từng căn phòng. Anh Hải chở từng món đồ anh có và mượn thêm đồ đạc khác để hoàn thiện đúng ý đồ bối cảnh”.

Đầu tư cho bối cảnh, đạo cụ tất yếu dẫn đến việc chi phí sản xuất các phim xưa đội lên. Nếu kinh phí sản xuất trung bình của phim truyền hình qua nhiều năm vẫn chỉ dừng lại ở con số 180 triệu đồng/tập, thì dòng phim xưa đòi hỏi nhiều hơn thế để có những khung hình đẹp và chất.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền từng đi khảo sát hơn 100 ngôi nhà cổ, có những địa điểm ưng ý nhưng giá thành quá cao, không thể thực hiện được. Đó còn chưa kể phần phục trang, hóa trang cho các diễn viên cũng phải khắt khe hơn.

Diễn viên YeYe Nhật Hạ cho biết, vào vai trong phim Yêu trong đau thương, nhân vật của cô trải qua 5 giai đoạn đòi hỏi trang phục phải khác nhau. “Phục trang là phần đầu tư tốn kém nhất của tôi cho vai diễn”, cô tâm sự. Tuy nhiên theo bà Bích Liên: “Chúng tôi cố gắng làm phim khán giả thích trong giai đoạn hiện tại”.

Khó khăn là điều dễ nhận thấy nhưng các nhà làm phim xưa cũng có những thuận lợi nhất định. Theo các nhà sản xuất, lợi điểm lớn nhất của dòng phim này đó là có thể chuyển thể hay dựa trên những kịch bản cải lương, tác phẩm văn học nổi tiếng. Hầu hết tác phẩm này đã được khẳng định về mặt chất lượng, do đó khâu kịch bản  - vấn đề tiên quyết của phim truyền hình hiện nay, đã giảm bớt gánh nặng. Có kịch bản hay đảm bảo sự an toàn nhất định cho thành công của phim. 

Khi có kịch bản chất lượng, phim cũng nhận được sự đồng thuận cao của dàn diễn viên, đạo diễn. Bà Bích Liên đưa ra phân tích: “Diễn viên đi làm bên cạnh có thu nhập, cũng muốn được làm công việc mình thích. Tôi chắc chắn những kịch bản hay luôn thu hút họ. Khi họ chấp nhận mức cát xê vừa phải, mình có tiền đầu tư vào bối cảnh, đạo cụ. Bản thân các đạo diễn cũng muốn khẳng định tên tuổi qua những dự án như thế này”.

Ở phương diện này, theo diễn viên Ngân Quỳnh, được tham gia những phim xưa khiến chị hạnh phúc bởi cái chân chất từ hành động, trang phục… của nhân vật, khác biệt với các phim hiện đại. Diễn viên Nhật Kim Anh thậm chí còn không tin mình được giao vai trong Tiếng sét trong mưa, bởi có rất nhiều ứng viên sáng giá cho vai diễn đó. Thậm chí, 2 năm sau khi bộ phim kết thúc, cô đều từ chối các kịch bản khác vì không tìm được cảm xúc và không thể nhập vai.

Tin cùng chuyên mục