Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn: Đề xuất lấn biển ở Lý Sơn là phù hợp điều kiện hiện nay

Xoay quanh đề xuất lấn biển lấy đất cấp cho dân làm nơi ở của UBND huyện Lý Sơn đến Đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngày 30-5, bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn nhận định, đề xuất lấn biển lấy đất ở là phù hợp với điều kiện hiện nay.

Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, kể từ năm 2014, khi Lý Sơn đóng điện lưới Quốc gia, tiềm năng du lịch của đảo Lý Sơn được đánh thức, trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, thì nhu cầu xây dựng cơ sở kinh doanh, dịch vụ của người dân tăng vọt.

Tuy nhiên, thực tế Lý Sơn chỉ có diện tích 10,4km2, quỹ đất không lớn, dân số 22.000 người, bao gồm Đảo Lớn, Đảo Bé. Du lịch phát triển, du khách ngày càng tăng, diện tích đất chỉ đáp ứng một phần nhu cầu bức thiết của người dân.

Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn: Đề xuất lấn biển ở Lý Sơn là phù hợp điều kiện hiện nay ảnh 1 Du khách cập bến tại Cảng biển Lý Sơn trước đó. Ảnh: NGUYỄN TRANG

UBND huyện Lý Sơn đã có đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, nghiên cứu việc lấn biển lấy đất cấp cho dân làm nơi ở, phát triển kinh tế, quy hoạch đất cho người dân.

Nói về đề xuất này, bà Phạm Thị Hương cho biết, lấn biển là phương pháp phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, đòi hỏi quá trình quy hoạch, mở rộng phù hợp lịch sử, văn hóa địa phương. Đối với nhân dân, cần có sự đồng thuận trong chủ trương lấn biển mở rộng diện tích, để đảm bảo hài hòa với lợi ích nhân dân.

Bà Phạm Thị Hương nói thêm, trước khi làm việc này thì tất cả phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định, cơ sở thực hiện.

Trên cơ sở vị trí phù hợp, huyện Lý Sơn sẽ tổ chức lấy ý kiến và đóng góp người dân trên đảo. Sau khi hoàn tất thủ tục thì tìm nhà đầu tư có đầy đủ năng lực để làm, không sử dụng ngân sách địa phương.

Hiện nay, Lý Sơn có 133 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, từ khách sạn đến nhà nghỉ, homestay. Tính đến tháng 5-2021, lượng khách đến Lý Sơn ước đạt 39.394 lượt người. UBND tỉnh Quảng Ngãi có định hướng chiến lược phát triển du lịch biển đảo một cách bền vững với tầm nhìn dài hạn, cơ sở hạ tầng, cơ chế đặc thù, gắn với bảo tồn hợp lý.

Tin cùng chuyên mục