(SGGP).- Ngày 24-6, Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Hội nghị truyền hình trực tuyến để cán bộ, thanh tra viên trên toàn quốc quán triệt Luật Thanh tra (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.
Giải thích về những điểm mới của luật, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: Luật Thanh tra năm 2010 có nhiều thay đổi về cơ chế tổ chức bộ máy thanh tra từ cấp nhà nước đến địa phương, tạo ra một hành lang thông thoáng hơn cho hoạt động và nâng cao hiệu quả thanh tra. Thanh tra có quyền độc lập hơn trong việc kết luận quá trình thanh tra, có bộ máy thi hành cưỡng chế nếu các kết luận thanh tra không được thi hành…
Hội nghị trực tuyến đã nhận được nhiều câu hỏi của lãnh đạo UBND, thanh tra các tỉnh thành ở 62 điểm cầu xung quanh các vấn đề cụ thể tới các cấp có thẩm quyền thanh tra, trách nhiệm liên quan tới người đứng đầu, vấn đề công khai và thực hiện kết luận thanh tra...
Giải thích về quy định phải nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong báo cáo, nhưng không ghi trong kết luận thanh tra, ông Trần Đức Lượng cho rằng, dù không có quy định bắt buộc nhưng kết luận thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ. Ở cấp địa phương, Chánh Thanh tra tỉnh có thêm quyền quyết định việc thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quyết định này. Điểm mới này giúp Chánh Thanh tra cấp tỉnh chủ động quyết định tiến hành thanh tra trên cơ sở pháp lý mà không cần chờ quyết định cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh.
H.HIỆP - L.NGUYÊN