Phó Chủ tịch tỉnh thông tin về diễn biến mới nhất vụ cháu bé rơi xuống cọc bê tông sâu 35m

Trưa 4-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trả lời báo chí những thông tin mới nhất liên quan vụ việc.
Khoan guồng xoắn vẫn là giải pháp tối ưu nhất hiện nay
Khoan guồng xoắn vẫn là giải pháp tối ưu nhất hiện nay

Vụ cháu bé T.L.H.N. (10 tuổi) rơi xuống cọc bê tông sâu 35m tại dự án cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình), ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện các đơn vị đang ưu tiên tập trung cứu hộ tại hiện trường.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, trách nhiệm của đơn vị liên quan đến sự cố này cũng sẽ được cập nhật để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cập nhật đến 12 giờ 37 phút cùng ngày, các lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương, gấp rút triển khai các giải pháp kỹ thuật cứu hộ. “Các đơn vị cứu hộ vẫn triển khai các biện pháp khoan guồng xoắn. Có những cọc đã khoan tới độ sâu khoảng 34-35m ngang với đáy cọc ống bê tông nơi có em bé trong đó, ông Bửu nói.

“Tối qua, địa phương thực hiện biện pháp khoan xoáy nước áp lực cao, song song với khoan guồng xoắn nhưng không hiệu quả, nên ưu tiên triển khai kỹ thuật guồng xoắn. Tuy nhiên, sử dụng mũi khoan có đường kính nhỏ hơn hôm qua, thích hợp với tầng đất còn lại”, ông Bửu nói.

Sau khi làm giảm tối đa áp lực ma sát vào thành ống bê tông bằng kỹ thuật guồng xoắn, sẽ gắn cáp vào cọc. “Dự kiến chiều nay hoàn thành phần phá vỡ, làm tan rã các phần đất còn lại trong lồng ống vách thép có đường kính 1,6m. Khi giảm áp lực tối đa ma sát thì đưa ống cọc từng đoạn lên cắt ra, rồi thực hiện cứu hộ trên mặt đất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói thêm.

Nói về phương án cứu hộ trên mặt đất, ông Bửu thông tin: Lực lượng thi công, phòng cháy chữa cháy, công binh… đã diễn tập cưa cắt ống cọc bê tông. Đây là ống cọc bê tông chuyên dụng có độ dày và mác bê tông cao. “Các đơn vị cũng đã cắt, cưa thử để khi cứu hộ sẽ tiến hành một cách nhanh gọn, đảm bảo thời gian. Hy vọng đưa cọc ống lên mặt đất vào chiều nay 4-1”, ông Bửu cho hay.

Đến thời điểm hiện tại, công tác cứu hộ đã là ngày thứ 5, nhưng vẫn chưa tiếp cận, cứu hộ được cháu bé. Ông Bửu thông tin, vì tầng đất sét chặt, phức tạp, cứng, bám dính nên mất thời gian nhiều.

Chia sẻ nguyên nhân xảy ra vụ việc đau lòng này, ông Bửu bày tỏ đây là trường hợp hy hữu, không ai mong muốn. Đơn vị giám sát thi công công trình đều có gắn thiết bị cảnh báo, che chắn có rào. Nhưng đây cũng là trách nhiệm của đơn vị thi công.

Tin cùng chuyên mục