Phố nông dân

Phố nông dân

(SGGP-12G).- Khu dân cư vượt lũ ấp Trường Thuận, xã Trường Long là một trong hơn 10 cụm, tuyến dân cư (CTDC) của thành phố Cần Thơ có 123 hộ dân trong vùng lũ của xã dồn về. Trước đây, quanh năm suốt tháng, những cư dân vùng lũ này phải tất tả ngược xuôi, che lều, bạt “dã chiến” trên kinh thủy lợi để tránh lũ. Nay, tại khu dân cư vượt lũ, những nông dân chân lấm tay bùn này đang từng bước xây dựng cho mình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đổi đời

Chủ tịch UBND xã Trường Long, ông Lê Văn Tổng cung cấp: Hiện nay, xã có hai khu dân cư vượt lũ, đó là khu dân cư Trường Hòa có 161 hộ định cư và khu dân cư Trường Thuận có 123 hộ sinh sống.

Cuộc sống ở các khu dân cư đã ổn định, có chợ, trường học, đường giao thông thuận tiện… Riêng các gia đình chính sách, mỗi hộ được gắn đồng hồ điện, nước miễn phí.

 Ghé thăm khu dân cư ấp Trường Thuận, anh Nguyễn Phước Hải, trưởng ấp phấn khởi: Khu này có 4 dãy được xếp theo từng ô A, B, C, D. Bây giờ, dân vùng lũ đã an cư, lạc nghiệp. Cuộc sống của từng gia đình đã khá đầy đủ tiện nghi, không thua cư dân chốn thị thành bao nhiêu, nhà nào cũng có ti vi, xe máy, thậm chí nhiều người còn sử dụng điện thoại di động.

May giày thể thao ở khu dân cư vượt lũ Trường Long

May giày thể thao ở khu dân cư vượt lũ Trường Long

Tại khu dân cư, các thùng chứa rác công cộng có nắp đậy được đặt rải rác dọc 2 bên đường. Hằng ngày, cứ đến 12g trưa là nhân viên vệ sinh  của Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ đưa xe đến thu gom đưa về bãi rác tập trung.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Việt, cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô năm xưa, anh phấn khởi: “Từ khi khu dân cư được thành lập, dân vùng lũ không còn cảnh phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi trú ẩn, tá túc trên bờ kinh mỗi khi đến mùa lũ.

Bây giờ trong khu dân cư còn có tổ tự quản, chi hội cựu chiến binh, người cao tuổi, phụ nữ… Giới nào, lứa tuổi nào sinh hoạt theo đoàn thể của giới ấy. Nhờ sinh hoạt đoàn thể, giúp nhau trong cơn tối lửa tắt đèn nên trật tự trị an khu dân cư luôn ổn định”.

Lạc nghiệp…

Nhiều người gọi khu dân cư vượt lũ Trường Thuận là “phố nông dân”, bởi hầu hết các hộ đều xuất thân từ người lao động chân lấm tay bùn cùng vào một mái nhà chung tránh lũ. Nhiều người dân sống ở đây cho biết, họ không sợ bị thất nghiệp. Vì ngoài việc chăm lo ruộng vườn và chăn nuôi, họ còn có thể tham gia lao động tại Xí nghiệp may Phong Điền hoặc phân xưởng may gia công giày thể thao của Hợp tác xã Hừng Sáng.

Cụ bà Đỗ Thị Hiếu, 74 tuổi , mẹ liệt sĩ đang lui cui cùng với cô cháu gái Nguyễn Thị Diễm Khanh cắt chỉ giày thể thao tại phân xưởng trong khu dân cư vượt lũ khoe: “Nghề này khỏe ru không cần tay nghề gì hết! Trẻ con, người già như tui đều làm được. Mỗi ngày, một lao động nông nhàn kiếm không dưới 20.000đ”.

Thăm Trường Mầm non Trường Long nằm trong khu dân cư vượt lũ, cô Nguyễn Thị Kim Khôn, Phó Hiệu trưởng trường cho biết, cuối năm học này trường sẽ được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Hiện trường có 16 cô giáo với 183 trẻ theo học. Ngoài ra, trường còn có mở 1 lớp mầm non điểm lẻ với 40 cháu tại Cây Cẩm, cách trường chính khoảng 5km.

Anh Thái Đăng Khoa, Quản đốc phân xưởng may tại khu dân cư này cho biết, bình quân mỗi tháng, phân xưởng cung ứng khoảng 16.000 đôi giày. Sản phẩm làm ra sẽ được đưa về Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Đông tiêu thụ.

Bình quân, mỗi thợ ở đây có mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ tháng, bao cơm trưa.

Anh còn kể: Để tạo thu nhập cho bà con, những khi vào vụ mùa, một số thợ còn xin nghỉ một, hai tuần để thu hoạch lúa, sau khi mãn vụ, họ lại tiếp tục vào phân xưởng làm việc trở lại… Đã thế, chúng tôi còn giải quyết cho hơn 10 hộ đưa máy may về gia đình để may giày gia công theo hợp đồng. 

Ông Phạm Văn Sáu, Phó Bí thư đảng bộ xã Trường Long cho hay, theo nghị quyết của Đảng bộ, từ nay đến năm 2010, xã sẽ phấn đấu, bằng mọi giải pháp, giải quyết việc làm cho 1.300 lao động, giảm hộ nghèo từ hơn 10% xuống còn 4,2%, trong đó chú trọng tạo diều kiện cho các hộ trong khu dân cư vượt lũ đều có công ăn việc làm ổn định, cơ bản không còn hộ nghèo.

Hiện nay, 7 tỉnh vùng lũ tại ĐBSCL đang triển khai kế hoạch xây dựng CTDC vượt lũ giai đoạn 2 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm di dời, ổn định đời sống 52.300 hộ dân.

Thiết nghĩ, ngoài việc bố trí nơi ăn chốn ở cho các hộ định cư, việc tạo điều kiện sản xuất, công ăn việc làm cho bà con như mô hình khu dân cư vượt lũ ở xã Trường Long rất đáng được nhân rộng.

Nguyễn Hà Phương

Tin cùng chuyên mục