Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội: Còn nhiều nỗi lo

Ngày 21-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội”.

Gần 1,5 triệu hộ dân mở “lối thoát nạn thứ 2”

Báo cáo tình hình công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn TP Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Công an TP Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đoàn thể quần chúng nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai một cách toàn diện, thường xuyên đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức tuyên truyền đảm bảo có thể tiếp cận sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, người dân, người lao động trên địa bàn thành phố. Vì vậy, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri

Sau khi tuyên truyền, vận động, đã có 102.034 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh (đạt 94,1%), gần 1,5 triệu hộ nhà ở hộ gia đình (đạt 91,3%) mở “lối thoát nạn thứ 2”; 620.938 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy; 784.161 hộ gia đình đã tự trang bị dụng cụ phá dỡ thô sơ...

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tình hình cháy trong những năm qua được kiềm chế, kiểm soát, đã giảm cả 3 tiêu chí; tất cả các vụ cháy xảy ra đều được điều tra làm rõ về nguyên nhân, từ đó, đề ra giải pháp công tác quản lý nhà nước được toàn diện hơn.

Nhiều bất cập, vướng mắc

Tuy nhiên, Đại tá Dương Đức Hải cũng chỉ rõ, Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nhiều nhất cả nước, nhưng công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ có nhiều sâu hàng trăm đến hàng ngàn mét; hệ thống trụ nước, bể nước, trữ nước phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu. Bên cạnh đó là một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện Luật PCCC, các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện hoạt động của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội báo cáo về tình hình PCCC trên địa bàn TP Hà Nội

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội báo cáo về tình hình PCCC trên địa bàn TP Hà Nội

Tại buổi tiếp xúc, đại diện các cử tri cũng nêu một số khó khăn trong thực hiện công tác PCCC và CNCH hiện nay trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Phó Ban Quản lý chợ Nam Từ Liêm cho rằng, để đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ dân sinh thì TP Hà Nội cần quan tâm đầu tư ngân sách để trang bị cơ sở vật chất cho PCCC.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Suốt, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình chỉ ra thực tế vướng mắc là những kho, cửa hàng xăng dầu tồn tại từ lâu, có thiết kế được thẩm định, phê duyệt đảm bảo an toàn, nhưng thời điểm ấy chưa có nhà ở, công trình ở gần. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động thì có các công trình áp sát kho, khi các lực lượng chức năng kiểm tra thì doanh nghiệp lại thành đơn vị vi phạm.

Dưới góc độ cư dân một khu chung cư lớn tại Hà Nội, ông Trần Duy Độ, Trưởng ban Quản trị chung cư Muberry Lane (ở quận Hà Đông) cho rằng, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà chung cư trong công tác PCCC và CNCH phải song hành với đại diện chủ sở hữu của cư dân là ban quản trị. Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì quy định này chưa rõ ràng, chưa sâu sát, dẫn đến khi có sự cố cháy xảy ra, chủ đầu tư hầu như không có trách nhiệm gì.

Một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Trước các ý kiến, kiến nghị nêu trên, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì buổi tiếp xúc đã ghi nhận các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm cao của cử tri và khẳng định, các ý kiến cử tri đã chuyển tải được những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. Đây là những thông tin rất hữu ích từ cơ sở để đại biểu Quốc hội lắng nghe, tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, quyết nghị các cơ chế, chính sách của pháp luật.

Bà Mai nhấn mạnh, khối lượng công việc trong công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô rất lớn, TP Hà Nội rất cố gắng để đảm bảo điều kiện cho công tác PCCC từ chế độ chính sách đến đầu tư hạ tầng nhưng cũng cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và nhân dân.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 144 vụ cháy khiến 10 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng và 6ha rừng.

Tin cùng chuyên mục