Nguy cơ cháy rừng cấp 5
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh Mang Văn Thới cho biết, bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), trong đó một số nơi thực bì dưới tán rừng khô dễ cháy. Cùng với đó, nguồn nước tự nhiên trên sông suối, kênh mương trong và ven rừng bắt đầu cạn kiệt. Mới nhất, ngày 7-3 đã xảy ra một vụ cháy dưới tán thực bì, cỏ khô tại khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng do bị đốt nhưng không phát hiện đối tượng vi phạm.
Tỉnh Tây Ninh có hơn 72.200ha rừng đang trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp 5, trong đó Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát trên 19.100ha, có lượng thực bì lớn và khô héo, gây nguy cơ cháy cao. Suối Đa Ha thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát bắt nguồn từ Campuchia chảy xuyên ngang qua toàn bộ vườn quốc gia, rồi chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, với chiều dài hơn 20km (chưa kể nhiều nhánh suối phụ), là nguồn cung cấp, điều tiết nước chính cho toàn bộ vườn quốc gia đã trơ đáy. Dù đã đề xuất chủ trương xây dựng đập tự tràn trên suối Đa Ha, để giữ cũng như bảo tồn đa dạng sinh học nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét phê duyệt. Trong khi đó, lực lượng còn mỏng và thiếu phương tiện nên khó khăn trong việc dập lửa khi cháy rừng xảy ra.
Còn tại Bình Phước, từ đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ cháy rừng, trong đó có 2 vụ cháy rừng trồng cao su, 3 vụ cháy rừng tự nhiên với diện tích 51,73ha. Mới nhất là vụ cháy gần 10ha rừng tràm 6 tuổi thuộc ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú) xen lẫn những bãi cỏ khô, khi gặp gió lớn ngọn lửa bùng lên dữ dội. Dù các lực lượng phòng cháy chữa cháy khẩn trương dập lửa nhưng khu rừng vẫn bị thiêu rụi. Vườn quốc gia Bù Gia Mập với 26.000ha, gồm cây lồ ô thuần loài và rừng lồ ô xen gỗ đang đối diện với nguy cơ cháy rất cao.
Tăng cường tuần tra, chủ động phòng cháy
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều biện pháp kết hợp như làm đường băng trắng cản lửa, đốt trước vật liệu dễ gây cháy, chống cháy lan vào rừng; phân công lực lượng, bố trí phương tiện, dụng cụ tại chỗ các khu vực trọng điểm; tổ chức bố trí lực lượng cả ngày lẫn đêm tại các chốt, trạm. Đồng thời tổ chức tuần tra kiểm soát người, phương tiện ra vào rừng, nhằm cảnh báo ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy, phá rừng; sẵn sàng huy động chữa cháy ở mọi thời điểm, nhất là các khu vực rừng giáp biên giới Campuchia…
Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn May (cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) vào rừng phòng hộ huyện biên giới này để được tận mắt theo dõi công tác kiểm tra phòng chống cháy rừng tại khu rừng sinh thái trên vùng bán ngập lòng hồ Cần Đơn (Tiểu khu 72, xã Phước Thiện). Nơi đây có hơn 100ha cây gáo vàng cùng nhiều loại cây gỗ quý như mật, dầu, sao... trong tổng số 6.800ha rừng tự nhiên toàn huyện. Đang giữa mùa khô nắng gắt, lá rừng rơi xuống xếp thành từng lớp nên lực lượng kiểm lâm phải gom thành từng hàng phòng khi gặp lửa đám cháy sẽ không thể lây lan. Mỗi ngày đều tổ chức 2 lần tuần tra vào rừng, rà soát kỹ lưỡng những người dân xâm nhập, đi qua khu vực. Để chủ động đối phó, lực lượng kiểm lâm bố trí trực 24/24 giờ, 8 chiếc xe máy chở nước (mỗi lần chở một bầu chứa 100 lít nước). Đơn vị cũng đào 24 hồ chứa nước trong rừng với sức chứa từ 2.000-5.000 lít/hồ và 4 hồ xây với sức chứa 40m3/hồ, đảm bảo cung cấp nước chữa cháy cho tuyến rừng phòng hộ gần 20km từ Tiểu khu 72 lên đầu nguồn sông Đắc Huýt.
Để bảo vệ 8.482ha rừng và đất lâm nghiệp đang trong cao điểm mùa khô, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bù Đốp đã hợp đồng thêm 8 nhân viên bên ngoài tổ chức canh gác, bố trí 25 bồn nước loại từ 2.000-5.000 lít, 5 bể nước chứa 26m3 dọc tuyến biên giới. Các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân được giao khoán cũng được hướng dẫn nghiệp vụ chống cháy rừng theo phương châm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết triệt để những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua; đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm; tiếp tục tăng cường tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng.