Phòng chống thiên tai ở ĐBSCL và miền Trung

Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đề nghị thực hiện các giải pháp phòng chống ngập lũ nội đồng. 
Hồ chứa Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận cạn đáy. Ảnh: VĂN NGỌC
Hồ chứa Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận cạn đáy. Ảnh: VĂN NGỌC

Theo báo cáo từ Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ TN-MT) và các cơ quan khoa học về thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT, đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đạt mức báo động 1 đến 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cho rằng, một số vùng trong khu vực có đê bao, bờ bao yếu, có thể không đảm bảo an toàn cho sản xuất và dân sinh, cần đề phòng xảy ra sự cố khu lũ lên nhanh bất thường do điều tiết dòng chảy thượng nguồn và lũ kết hợp triều cường.

Để chủ động cho vụ thu đông năm 2020 tránh bị thiệt hại do lũ gây ra, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ở ĐBSCL rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định vị trí khu vực có nguy cơ bị sự cố để bố trí kinh phí, gia cố đảm bảo chống lũ, nhất là với vùng có đông dân cư và vùng sản xuất trọng điểm; hướng dẫn người dân sản xuất vụ thu đông 2020 phù hợp tình hình nguồn nước, tận dụng tốt lợi thế do lũ mang lại; chủ động kịch bản, phương án kịp thời ứng phó với tình huống lũ bất thường. 

Tuy nhiên, từ nay tới khi có lũ, ĐBSCL cũng như Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ vẫn đang và sẽ đối mặt nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng do mùa khô còn kéo dài tới tháng 8. Ở Nam Trung bộ, hiện nay dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20%-60%; mức rất thấp là tại Ninh Thuận (chỉ còn 13%), Bình Thuận (17%), thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước. Ninh Thuận và Bình Thuận đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán ở cấp độ 3 và 2. Trước tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ kinh phí 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở ĐBSCL phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020. 

Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 5, cả nước đã xảy ra 5 trận sạt lở, sụt lún đất; 47 trận dông lốc, mưa lớn làm 2.474ha lúa, 1.580ha rau màu bị thiệt hại; 4.649 con gia súc, gia cầm chết, bị cuốn trôi; ước tính thiệt hại khoảng 121 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm, các loại hình thiên tai làm thiệt hại 106.869ha lúa và hoa màu; 7.328 con gia súc, gia cầm chết; ước tính thiệt hại khoảng 3.310 tỷ đồng, trong đó do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng. Để kịp thời đưa ra phương án triển khai các biện pháp ứng phó, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, cập nhật và nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục. Bộ sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Ngày 2-6, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh này vừa ký văn bản gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 7 đợt dông lốc kèm theo sét, mưa lớn, mưa đá trên các địa bàn huyện Mường Lát, Lang Chánh, Như Thanh, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy làm 7 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 909 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 13,8ha lúa, 33,3 cây trồng hàng năm, 35,6ha rừng, 2,5ha hoa màu… bị thiệt hại. 

Trước tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở; xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu hết hạn đăng kiểm, không đảm bảo về trang thiết bị, thông tin… ra khơi.

Tin cùng chuyên mục