Phòng tránh thương tích cho trẻ em dịp hè

Hè về, trẻ em không đến trường, trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm nên không có sự theo dõi chặt chẽ, do đó trẻ sẽ phải đối diện với nhiều tai nạn rình rập như: té ngã, bỏng, điện giật, đuối nước... Để hạn chế tối thiểu biến chứng nguy hiểm do tai nạn gây ra, chúng ta cần biết cách sơ cứu đúng nhất và hướng dẫn trẻ sinh hoạt chơi đùa sao cho an toàn, lành mạnh.
Bé N.H.N. (4 tuổi, ngụ tại TPHCM) nằm điều trị tại bệnh viện do té ngã Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bé N.H.N. (4 tuổi, ngụ tại TPHCM) nằm điều trị tại bệnh viện do té ngã Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phụ huynh lơ là, chủ quan

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, chỉ trong vòng 1 tháng qua, BV nhiều lần tiếp nhận các trường hợp trẻ gặp tai nạn thương tích. Điển hình là trường hợp bé L.H.B.A. (10 tuổi, ngụ tại 
quận 10, TPHCM). Theo chia sẻ từ mẹ của bé A., bé bị té ngã gãy chân trái do leo lên cửa sổ để lấy bong bóng bay.

“Hè thì bé ở nhà tự chơi, lâu lâu bận quá tôi phải gửi bé sang nhà ông bà ngoại nhờ chăm giúp. Hôm đó tôi xuống siêu thị dưới nhà mua ít đồ về nấu ăn. Trước khi đi, tôi dặn bé ngồi yên xem tivi và chơi bong bóng, tôi sẽ lên ngay. Khi lên thì tôi thấy bé ngã nhào dưới đất, khóc và than đau chân không đứng dậy được. Tôi gọi ngay cho BV, nhờ chỉ dẫn cách sơ cứu và bế bé tới BV”. Theo bác sĩ điều trị, do được sơ cứu kịp thời và đúng cách sau khi té ngã nên chân bé A. không gặp biến chứng nghiêm trọng, có khả năng hồi phục nhanh.

Không may mắn như bé L.H.B.A. được sơ cứu đúng cách, bé T.T.K. (7 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) đang nằm điều trị tại BV vì bỏng nước sôi, đặc biệt vết thương của bé bị nhiễm trùng nặng do sơ cứu sai cách. Anh T.H.K. (cha bé T.T.K.) cho biết: “Hôm đó tôi đi làm, để bé ở nhà cho chị của bé (12 tuổi) trông nom. Bình thường hai chị em tự chơi với nhau được nên tôi an tâm đi làm. Đến trưa nghe hàng xóm gọi điện, tôi chạy về vì bé bị bỏng”. Anh T.H.K. kể thêm, do đói bụng nên bé T.T.K. muốn nấu mì ăn. Ấm nước để quá cao, bé với tay lên lấy ấm nước nên bị nước đổ vào người, dẫn đến bị bỏng nước sôi. Do hoảng sợ nên chị bé lấy dầu nóng kèm kem đánh răng thoa lên vết bỏng, việc này càng làm cho vết bỏng ở vùng bụng, tay phải của bé T.T.K. nghiêm trọng hơn và bị nhiễm trùng.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn thương tích trong vui chơi sinh hoạt dịp hè. Theo thống kê tại các BV trên địa bàn TPHCM, vào mùa hè, số trẻ nhập viện điều trị vì tai nạn tăng ít nhất 2 lần so với thời điểm khác. Ngoài ra, thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong giai đoạn năm 2010-2014, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã... Tai nạn thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em.

Cần sơ cứu đúng cách

Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, chia sẻ, hè là dịp trẻ em được nghỉ ngơi, vui chơi. Do đặc điểm của mùa hè có thời tiết hay mưa nên các tai nạn rủi ro không mong muốn rất dễ xảy ra. Khi tai nạn nhẹ, trẻ có thể bị trầy xước, xây xát; nhưng ở trường hợp nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị gãy xương, gãy tay, chân, bị bỏng, đuối nước… “BV chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đến BV sơ cấp cứu, chủ yếu là gãy xương, gãy tay, chân. Mùa hè, tần suất gãy tay ở trẻ em tăng gấp 2,5-3 lần, các loại gãy xương thường nhất là: gãy trên 2 lồi cầu, gãy bong sụn tiếp hợp đầu dưới xương quay, gãy cành tươi, gãy cong tạo hình xương quay, xương trụ, bong gân cổ chân… Nguyên nhân chủ yếu là do bé nghịch ngợm leo trèo, thể thao không an toàn, đường trơn trượt, mấp mô làm bé dễ té chống tay”, bác sĩ Võ Hòa Khánh thông tin.

Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ, chúng ta cần chú ý giám sát và nhắc nhở trẻ chơi đùa sao cho an toàn. Đặc biệt, phải luôn có người giám sát trẻ khi trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, học các môn thể thao có nguy cơ cao (như học võ, bóng rổ, bơi lội), không cho trẻ chơi gần những nơi không an toàn, trơn trượt, không leo cầu thang, trèo cây, cửa sổ. Cầu thang phải có lan can, cửa sổ và ban công phải có rào chắn bảo vệ an toàn. Ngoài ra, cần trang bị đồ bảo hộ cho trẻ khi tham gia các môn thể thao như giày, dụng cụ bảo vệ khuỷu tay, bàn tay, đầu gối; áo quần thể thao cũng phải phù hợp với trẻ và môn thể thao.

Sơ cứu ban đầu là khâu quan trọng nhất khi trẻ gặp tai nạn thương tích, trong khi đó, nhiều người lại không được hướng dẫn thực hiện sao cho đúng. Do đó, bác sĩ Võ Hòa Khánh thông tin thêm, đối với tai nạn dẫn đến gãy xương tay hoặc chân thì việc bất động xương gãy là quan trọng nhất, chúng ta có thể dùng nẹp cây, băng thun để tiến hành công đoạn này. Hơn nữa, tuyệt đối không được kéo nắn, chỉnh sửa vì sẽ làm trầm trọng thêm chỗ gãy.

Đối với vết thương thì cần phải băng ép có trọng điểm để cầm máu, vết thương xây xát cũng cần được rửa bằng nước muối sinh lý, băng ép và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý. Bác sĩ Võ Hòa Khánh cũng lưu ý, hiện nay khi sơ cứu, nhiều người xót ruột nên xoa bóp vết thương, chỗ đau của trẻ, việc này sẽ làm tăng chảy máu, tăng phù nề và làm tổn thương nặng thêm.

Tin cùng chuyên mục