Với tinh thần trách nhiệm cao, dù ở vị trí cương vị nào, họ cũng luôn chủ động tìm tòi sáng tạo, ứng dụng những sáng kiến hay, cách làm mới để tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đó là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua từ cơ sở, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau tại TPHCM.
- Từ những sáng kiến nhỏ...
Chỉ là nhân viên bảo vệ của Phòng Hành chánh quản trị - bảo vệ (Liên minh HTX Thương mại TPHCM) nhưng ông Phan Văn Chánh luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, vận dụng kinh nghiệm và hiểu biết về kỹ thuật của mình nhằm mang lại hiệu quả cao trong công việc. Để tiết kiệm chi phí hành chính, ông đã tìm cách sử dụng triệt để các loại linh kiện phụ tùng của các máy photocopy đến mức tối đa.Tính từ năm 2005 đến 2009 ông đã tiết kiệm từ giấy, mực, linh kiện, tận dụng sửa chữa đưa vào sử dụng 1 máy photocopy cũ… với tổng số tiền tiết kiệm cho đơn vị trên 147 triệu đồng.
Là chuyên viên cơ điện Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn, khi sang Lào công tác, ông Nguyễn Văn Đơ, đã nghiên cứu chế tạo thành công giàn phun thuốc bảo vệ thực vật gắn trên máy kéo MF-185 cho công ty tại Lào. Với những ưu điểm tiện ích, dễ sử dụng, hiệu quả cao, giàn phun thuốc này được công nhân ở nông trại Bachieng (Lào) đón nhận, đánh giá cao. Sản phẩm này đang được nhân rộng ra các trang trại khác tại Lào. Không những thế, ông còn nhiệt tình hướng dẫn công nhân người Việt cũng như người Lào biết sử dụng, bảo trì máy kéo nông nghiệp và các thiết bị khác của công ty. Với sáng kiến này, ông nhận được giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ VI.
Trăn trở với bài toán làm thế nào để tăng năng suất lao động, giảm chi phí giá thành sản phẩm, từ khi làm quản đốc Xí nghiệp Sản xuất may (Công ty Đông Á) đến khi giữ chức Phó Giám đốc Công ty TNHH May Trịnh Vương, ông Bùi Duy Luyến luôn có sáng kiến làm lợi cho đơn vị. Từ kinh nghiệm làm việc, ông đã nghiên cứu, thiết kế sắp xếp dây chuyền sản xuất, khoán định mức các cụm công việc, đã góp phần mang lại hiệu quả, năng suất cao, giảm tăng ca cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch, tăng doanh thu. Bên cạnh đó, ông còn viết giáo án, tổ chức cải tiến phương pháp đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho công nhân tại chỗ với thời gian nhanh nhất, phục vụ yêu cầu mở rộng sản xuất của công ty. Nhờ vậy, công ty không bị động về tuyển dụng nhân sự.
- Đến những sáng kiến lớn
Suốt 10 năm làm quản đốc phân xưởng Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit, ông Nguyễn Văn Sĩ luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc để đạt được hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí, làm lợi cho công ty. Thay vì phải mua máy móc thiết bị, phụ tùng thay thế từ nước ngoài với giá thành cao, ông đã nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm thay thế “made in Vietnam” nhưng đạt chất lượng cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng/năm.
Cụ thể như sáng kiến chế tạo cụm giảm tốc máy đai ốc, thay vì công ty phải mua mô tơ giảm tốc của nước ngoài tốn 15.000 USD thì sản phẩm do ông làm ra chỉ tốn 12 triệu đồng. Hoặc sáng kiến thay thế cụm chén - bi - vòng ma sát trong kết cấu pedal xe đạp bằng bộ bạc nhựa chịu mài mòn nhưng khả năng chịu lực không đổi, đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm sử dụng cho xe đạp điện, xe đạp cao cấp. Ngoài ra, ông còn có nhiều sáng kiến về hệ thống truyền động của máy dập hơi Amada, hệ thống xi mạ điều khiển hoàn toàn tự động mang lại hiệu quả và lợi ích cao. Đặc biệt, sáng kiến xử lý hệ thống thắng máy kéo dây đã tiết kiệm thời gian ngừng máy (do phải chờ nhập khẩu hệ thống này mất 1 tháng), làm lợi cho công ty mỗi năm gần 1 tỷ đồng.
Khi thấy công nhân thao tác phun sơn trên bề mặt thân vỏ xe buýt chậm và nước sơn chảy trên bề mặt sơn bóng, Phan Huy Cường, Trưởng bộ phận dịch vụ Phòng Công nghệ Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) đã suy nghĩ, tìm cách khắc phục. Anh đã tìm ra các định chuẩn phù hợp trong quá trình thao tác phun sơn bóng, khắc phục hoàn toàn hạn chế này, góp phần nâng cao chất lượng sơn trên bề mặt thân vỏ xe buýt và giảm công sửa chữa, tiết kiệm sơn.
Không những thế, sáng kiến này cũng góp phần giúp nhà máy hoàn thành đúng tiến độ giao xe cho khách hàng. Anh còn là tác giả của sáng kiến “Quy trình công nghệ sơn sửa chữa nhanh”. Với thiết kế mới này, quy trình sơn nhanh đã cải tiến thao tác, rút ngắn công đoạn, vật tư, nâng cao chất lượng sơn trên bề mặt xe ô tô và thời gian rút ngắn từ 8 giờ xuống còn 4 - 5 giờ. Anh Cường còn tham gia thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố với tên gọi “Thiết lập quy trình sơn trên vật liệu composite” trong đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu composite vào công nghệ chế tạo than vỏ ô tô khách”. Đề tài này được Hội đồng Sở Khoa học Công nghệ TPHCM đánh giá loại xuất sắc.
VĨNH TRÂN