Phỏng vấn một chiếc phao

- Thưa anh, phao là vật nổi trong chuyện câu cá hoặc đi bơi. Tại sao “phao” lại bỗng nhiên trở thành từ dùng mô tả phương tiện để thực hiện sự gian dối trong thi cử?
- Bổn chất của hai thứ có vẻ tương tự, nên người ta mới liên tưởng kiểu vậy. Phao dùng để giữ vật nặng không chìm, hoặc nếu chìm thì cũng lửng lơ không chìm tuốt luốt. Trong kỳ thi, thí sinh sẽ xài phao để quay cóp, vượt qua kỳ thi bằng sự láu cá, không phải bằng kiến thức.
 
- Nhưng không chỉ người đi thi, mà cả người coi thi, chấm thi hoặc nhập liệu kết quả đều có thể làm gian. Điều gì đã dẫn dắt họ?

- Có một thứ luôn tạo ra gian là tham. Mấy người đó làm bậy, và kiếm lợi do được nhờ vả hoặc gian dối theo đơn đặt hàng. Cái nguy hiểm của gian không phải là điểm số, mà là ở chỗ người ta không còn tin vào lòng trung thực. Người đi thi xài phao sẽ tin vào điểm cao có được do gian tà, người quản lý xài phao sẽ tin vào lợi ích do thậm thụt. 

- Nhưng sau sự cố gian dối bị phát giác, kiểm tra nghiêm ngặt, lòng tin vào sự trung thực sẽ tái sinh?

- Đừng có mơ. Học hành lẹt bẹt mà lại muốn điểm số cao, năng lực kém mà lại muốn có nhiều thành tích, đó là cái gốc của gian. Bởi vậy mà sau mỗi kỳ thi, luôn có người bám vào cái phao mang tên “thành công tốt đẹp”!

Tin cùng chuyên mục