Phục hồi kinh tế sau đại dịch

Nhằm đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch thành lập một trung tâm phụ trách công việc hồi phục kinh tế của đất nước. 
Người dân thủ đô Bangkok đi mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 được nới lỏng. Ảnh: TTXVN
Người dân thủ đô Bangkok đi mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 được nới lỏng. Ảnh: TTXVN

Trung tâm sẽ hoạt động theo mô hình hoạt động thành công của Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA).

Phục hồi kinh tế được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thái Lan trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Tổng thư ký của Thủ tướng phụ trách các vấn đề chính trị Kobsak Pootrakool, nhóm cố vấn kinh tế của Thủ tướng Prayut Prayut Chan-o-cha đang đề xuất chính phủ nhanh chóng đưa ra số liệu cập nhật nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là nguy cơ thất nghiệp đối với 500.000 sinh viên ra trường trong năm nay. Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có sự tiếp cận lớn hơn tới các dự án mua sắm của nhà nước. Các cơ quan của nhà nước có thể sẽ được yêu cầu mua sản phẩm hoặc dịch vụ của các SME với tỷ lệ ít nhất 30% trong năm nay.

Thông tin trên được coi là bước đệm tốt cho sự hồi phục kinh tế của Thái Lan để bù đắp những thiệt hại trong đại dịch. Dù là một trong số ít quốc gia kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, nhưng triển vọng kinh tế của quốc gia này lại ảm đạm nhất khu vực châu Á.

Dự đoán của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho thấy, tăng trưởng GDP của xứ sở Chùa Vàng có thể sẽ giảm 5,3% trong năm nay. Con số này tệ hơn bất kỳ dự đoán nào của các quốc gia khác trong khu vực và đây có thể là con số tăng trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Thái Lan, thậm chí vượt qua cả thời kỳ khủng hoảng 1997. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, Thái Lan vốn nổi tiếng là trung tâm du lịch của khu vực với mức đóng góp lên đến 15% tổng GDP.

Nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Do đó, khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh cả 2 yếu tố đã gây sốc cho tăng trưởng GDP. Dự báo từ Bloomberg cũng cho biết, ngay cả khi bước sang năm 2021, tốc độ hồi phục của nước này cũng chậm nhất, mức tăng trưởng GDP dự đoán chỉ dừng ở 4%.

Tình trạng khẩn cấp, lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm, cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh… nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19 lây lan, đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và cũng như chặn nguồn đầu tư tư nhân, vốn đã có xu hướng giảm vào năm ngoái.

Mặc dù nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân có thể sẽ nóng trở lại khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, bên cạnh đó, chính phủ triển khai các biện pháp kích thích kinh tế hồi phục, nhưng nguồn tiền từ các nhà đầu tư có thể sẽ chậm trở lại với triển vọng thị trường ảm đạm.

Trước khi công bố kế hoạch thành lập trung tâm phục hồi kinh tế, Chính phủ Thái Lan đã thông qua các dự án kích thích kinh tế với tổng trị giá 92,4 tỷ baht (3 tỷ USD) và phân bổ 15,5 tỷ baht để hỗ trợ các chương trình tạo việc làm. Những dự án nói trên bao gồm 3 lĩnh vực là thúc đẩy nền kinh tế cơ sở với ngân sách 51,3 tỷ baht, tài trợ cho các dự án phát triển bền vững với ngân sách 20,3 tỷ baht và thúc đẩy tiêu dùng, du lịch với ngân sách 22,4 tỷ baht.

Tin cùng chuyên mục