Phúc thẩm vụ tiêu cực đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn - Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của 5/6 bị cáo

(SGGPO).- Sáng nay 16-6, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tiêu cực đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn bước sang phần tranh luận. Đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm đối với nội dung kháng cáo của các bị cáo. Cụ thể:

- Bị cáo Trần Thị Hà (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Kinh doanh nhà Thành Phát) và Hà Văn Hòa (chồng Hà, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Kinh doanh nhà Thành Phát) – cả hai đều bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt mức án chung là tù chung thân về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”: Công ty Thành Phát do Hà và Hòa thành lập tuy vốn chỉ khoảng 1 tỷ đồng nhưng vì muốn được UBND TP cấp đất tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn lập dự án khu công nghiệp sạch và khu dân cư, cả hai đã khai khống vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng.

Sau đó, hai bị cáo còn tiếp tục các hành vi gian dối khác (tự lập ra danh sách đã bồi hoàn cùng hàng trăm hợp đồng chuyển nhượng đất khống) để vay tiền của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn, qua đó chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỷ đồng. Hai bị cáo khai rằng không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có cơ sở để chấp nhận.

Ngoài ra, công tố viên khẳng định bản án sơ thẩm quy kết hai bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ” là không sai. Từ các chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác cho thấy Hà, Hòa nhiều lần đưa hối lộ cho những người có chức vụ, quyền hạn tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn tổng cộng 1.949.000.000 đồng và 5.000 USD.

Lời khai của Hà rằng đưa 199.000.000 đồng cho Nguyễn Công Định (nguyên nhân viên tín dụng Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn, bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, bị cáo không kháng cáo) trước thời điểm được ngân hàng giải ngân tiền chỉ nhằm trốn tránh hành vi “Đưa hối lộ”.

Nhưng dù việc đưa tiền có diễn ra trước thời điểm đó thì hành vi trên vẫn có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Đưa hối lộ”, bởi Định biết rõ thực lực tài chính của Công ty Thành Phát và các hành vi gian dối của bị cáo Hà nhưng vẫn bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc xét duyệt, thẩm định và lập báo cáo đề xuất cho vay với mục đích nhận lợi ích vật chất từ Hà.

Tương tự, Hà và Hòa sẽ không đưa nhiều lần tổng cộng 1,4 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Khỏe (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) nếu bị cáo Khỏe không tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án của Công ty Thành Phát. Đây là những dấu hiệu đặc trưng của tội “Đưa hối lộ”. Do vậy, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo Hà, Hòa.

- Bị cáo Nguyễn Văn Khỏe (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 26 năm tù về ba tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”) đã có hành vi ký thuận địa điểm thực hiện dự án; ký và gửi công văn xác nhận không đúng thực tế việc Công ty Thành Phát đã bồi hoàn xong, đề nghị các sở, ban ngành chức năng của thành phố giao đất cho vợ chồng Hà – Hòa lập dự án. Đổi lại, Khỏe nhiều lần được Hà – Hòa đưa tiền “bôi trơn” 1.300.000.000 đồng.

Trong thời gian Hà – Hòa thực hiện việc san lấp để phân lô, bán nền trái phép 4.855 m² đất nông nghiệp tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn, bị cáo Khỏe đã ra lệnh dừng, không cho làm, để Hà – Hòa phải đến nhà Khỏe “lót tay” 100.000.000 đồng. Không chỉ vậy, Khỏe còn gợi ý Hà đưa 50.000.000 đồng và 5.000 USD để “chung chi” cho cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, nhưng thật ra Khỏe giữ lại sử dụng. Mức án 26 năm tù giam mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là đã chiếu cố đến các tình tiết giảm nhẹ (khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong quá trình công tác), bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm án.

- Bị cáo Đặng Công Danh (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Kinh doanh Danh Khoa, bị án sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội “Làm môi giới hối lộ”): Do có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Văn Khỏe nên bị cáo Danh được Hà - Hòa nhờ làm trung gian tác động để Khỏe thực hiện các hành vi sai phạm đã nêu ở trên.

Sau khi xong việc, Hà – Hòa nhờ Danh đưa 400.000.000 đồng cho Khỏe nhưng Danh chỉ đưa 300.000.000 đồng, phần còn lại giữ tiêu dùng. Bản án sơ thẩm đã có chiếu cố các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ để xét kháng cáo xin giảm hình phạt.

- Bị cáo Lưu Thị Minh Hiền (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn, bị án sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”): Tuy biết Công ty Thành Phát không đủ điều kiện vay tiền nhưng bị cáo Hiền đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc xét duyệt, thẩm định và xét cho vay, tạo điều kiện cho Hà – Hòa chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỷ đồng của ngân hàng.

Ngoài ra, Hiền còn đồng ý cho giải ngân vượt quá nhu cầu của Công ty Thành Phát, giải ngân không theo tiến độ dự án; trước khi giải ngân cũng không yêu cầu bên vay cung cấp chứng từ xin vay phù hợp mục đích sử dụng vốn vay như hợp đồng tín dụng đã ký kết. Do vậy, nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Hiền không có căn cứ để chấp nhận.

- Bị cáo Dương Minh Trung (nguyên Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hóc Môn, bị án sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ): Đã tích cực soạn thảo tờ trình có nội dung xác nhận Công ty Thành Phát có đủ điều kiện thực hiện dự án và soạn thảo văn bản cho bị cáo Khỏe ký gửi các ngành chức năng thành phố đề nghị giao đất cho Công ty Thành Phát thực hiện dự án mặc dù biết rõ điều này không đúng thực tế.

Từ đó, Trung được Hà – Hòa cho 90.000.000 đồng. Hành vi này có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”, tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là đã có sự chiếu cố đối với bị cáo nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Riêng về khoản tiền 2.250.000.000 đồng, Trung mượn của Hà – Hòa vào thời điểm đã kết thúc công vụ của mình nên đây là quan hệ vay mượn dân sự giữa hai bên, đây là tình tiết mới của vụ án. Với quan điểm trên, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tách khoản tiền này ra khi xem xét tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với bị cáo.

Về phần trách nhiệm dân sự, công tố viên nêu quan điểm: Ngày 12-7-2007 UBND TPHCM ban hành văn bản số 3508, theo đó giao cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 12 làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn thay cho Công ty Thành Phát. Chỉ 3 ngày sau, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn nhanh chóng làm hợp đồng cho Công ty 12 vay tiền để Công ty 12 trả nợ thay cho Công ty Thành Phát, qua đó xóa nợ vay của Công ty Thành Phát.

Việc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn tiếp tục cho vay để cấn trừ nợ này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, án sơ thẩm đã kiến nghị điều tra trong một vụ án khác nên không thể cho rằng hậu quả của vụ án đã được khắc phục.

Bên cạnh đó, lời khai tại phiên tòa của ông Trần Duy Doanh (Giám đốc Công ty 12) cho thấy phát sinh tình tiết mới: sau khi nhận dự án, Công ty 12 đền bù tiếp 6.700 m2 đất với chi phí khoảng 300 lượng vàng. Án sơ thẩm không đưa Công ty 12 vào quá trình tố tụng là sai. Với những phân tích trên, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại về phần trách nhiệm dân sự.

Chiều nay, phiên tòa đang tiếp tục với phần tranh luận.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục