Quá tải - Mặt trái của du lịch

Các phong trào phản đối du lịch quá mức đang xuất hiện ở nhiều nước châu Âu. Để “hạ nhiệt” làn sóng này trước khi mùa hè đến, chính quyền các nước đã áp dụng giải pháp dung hòa lợi ích của người dân địa phương và khu vực sinh lợi.

“Về nhà đi”

Du lịch được coi là nguồn kiếm tiền lớn nhất của quần đảo Canary xinh đẹp ở Tây Ban Nha, quốc gia có lượng du khách đến thăm nhiều thứ hai trên thế giới. Nhưng do bất mãn trước tình trạng du lịch quá mức tăng vọt, các cuộc biểu tình của dân địa phương đã bắt đầu diễn ra, nhiều nơi trên quần đảo xuất hiện những hình vẽ graffiti yêu cầu du khách “về nhà đi”.

Tương tự, thành phố cổ Malaga, thủ phủ của Costa de Sol - nơi được mệnh danh là thiên đường biển với vị trí ngay bên bờ Địa Trung Hải - từ lâu đã là điểm đến ưa thích của hàng triệu du khách nhờ khí hậu đầy nắng và chi phí sinh hoạt tương đối thấp. Giờ đây, người dân địa phương dán khắp bên ngoài các ngôi nhà những cụm từ chống đối du khách, từ khá nhẹ nhàng “nơi này từng là nhà của tôi” (antes esta era mi casa), hay “nơi này từng là trung tâm thành phố” (antes esto era el centro), đến mức giận dữ hơn “hãy về đi” (a tu puta casa)…

Theo tờ The Local Spain, năm 2023, 14 triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước đã đến thăm Malaga. Dữ liệu gần đây từ Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (INE) cho biết, 8/10 cư dân mới chuyển đến Malaga hiện là người nước ngoài. Khoảng 630 công ty công nghệ, bao gồm cả Google, đã mở văn phòng tại Malaga, biến nơi này thành Thung lũng Silicon của châu Âu, thu hút hàng ngàn nhân công quốc tế và dân du mục kỹ thuật số. Thực tế này khiến người dân địa phương ở Malaga chợt tỉnh. Họ tin rằng, mình đang phải trả cái giá quá đắt và bị xua đuổi khỏi chính thành phố quê hương mình.

Hay như Tenerife - một trong những hòn đảo nổi tiếng nhất Tây Ban Nha, gần đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nước. Thực trạng này càng đổ thêm dầu vào lửa khiến cho người dân địa phương nổi giận, vì một số khu du lịch ở đó sử dụng lượng nước nhiều hơn tới 6 lần so với khu dân cư, gây áp lực lên nguồn dự trữ quan trọng cho nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tờ Canarian Weekly đưa tin, “nỗi ám ảnh du lịch” cũng đang lan truyền ở những điểm nóng du lịch như đảo Balearic Mallorca, Gran Canaria... với những bức tường được dán thông điệp“tống tiễn” du khách.

Trong khi đó, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 10, Hiệp hội Hàng không Tây Ban Nha đã lên kế hoạch thực hiện tới 758.000 chuyến bay, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng công suất lên tới 240 triệu ghế.

V8B.jpg
Du khách tham gia Cuộc diễu hành kênh đào Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: amsterdamboatexperience.com

Người đứng đầu Hiệp hội Hàng không Tây Ban Nha, ông Javier Gandara cho biết các dịch vụ hàng không đến quần đảo Canary và khu vực phía Nam Andalusia, một trong những điểm đến du lịch mùa hè hàng đầu của Tây Ban Nha, sẽ tăng thêm 14% tổng số ghế, trong khi các thành phố Madrid và Barcelona sẽ tăng thêm 15% so với cùng kỳ năm 2023. Các hãng hàng không cũng đang tăng số lượng ghế trong các tuyến bay giữa Tây Ban Nha và các thị trường như Đức và Anh.

Giải pháp dung hòa

Hiệp hội Du lịch Exceltur ước tính, doanh thu trong lĩnh vực này, bao gồm cả khách sạn và các công ty vận tải, sẽ tăng 6% trong quý 2-2024, so với mức kỷ lục cùng kỳ năm 2023. Không thể phủ nhận rằng du lịch mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nhưng khi đạt đến mức độ gọi là “du lịch quá mức” có thể gây ra nhiều vấn đề cho người dân địa phương, như tình trạng quá đông đúc, tăng giá, xả rác và thiệt hại tài sản. Cũng vì những lý do đó, các điểm du lịch hàng đầu đang năn nỉ mọi người đừng đến thăm, nhiều nơi đơn giản là không có cơ sở hạ tầng để đáp ứng.

Nhiều quốc gia châu Âu đã áp dụng thuế du lịch, bao gồm cả thành phố Venice của Italy, nơi cũng đã cấm tàu du lịch đi vào hệ thống kênh đào. Chính quyền thành phố Amsterdam của Hà Lan đã ban hành hạn chế say rượu đối với khách du lịch người Anh… Hawaii vẫn tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên phục vụ khách sạn, đường ùn tắc và thời gian chờ đợi tại nhà hàng kéo dài 90 phút.

Ở châu Á, lo ngại về tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân ở cố đô Kyoto, chính quyền địa phương đã triển khai một loạt sáng kiến nhằm ứng phó tốt hơn với lượng khách du lịch đổ về. Các biện pháp được áp dụng như tăng cường dịch vụ xe buýt và taxi, cho phép các công ty thiết lập các mức giá vé khác nhau trong thời gian cao điểm và cải thiện cơ sở hạ tầng; thành lập các trung tâm tư vấn cho cộng đồng địa phương. Một sáng kiến lớn nữa là cố gắng kéo khách du lịch rời khỏi 3 thành phố lớn (Tokyo, Kyoto và Osaka) để đến các địa phương khác.

Tin cùng chuyên mục