Quản chặt chất lượng hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng

Trước vấn nạn thực phẩm rau củ kém chất lượng tràn lan thị trường, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đã và đang nỗ lực thực hiện quản chặt chất lượng hàng hóa bán ra để bảo vệ người tiêu dùng (NTD). 
Hàng hóa tại Saigon Co.op được kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng đầu vào
Hàng hóa tại Saigon Co.op được kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng đầu vào

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Trong những năm gần đây, vấn nạn thực phẩm bẩn thu hút nhiều sự quan tâm của NTD. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2021, cả nước có 81 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.942 người bị ảnh hưởng. Đây cũng là một phần lý do để hàng chục triệu NTD cả nước đã và đang tìm đến thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân cùng gia đình.  

Chị Đặng Mai Ka (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, chị và gia đình đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm sạch, an toàn. Chính vì vậy, gia đình chị đã lựa chọn mua các sản phẩm thực phẩm từ các siêu thị, bởi tin tưởng đây là nơi cung cấp các loại thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản tốt. “Khi mua thực phẩm, rau củ ở siêu thị lớn là tôi đã đặt niềm tin vào nhà bán hàng cũng như thương hiệu của đơn vị cung cấp, từ đó an tâm hơn về chất lượng của sản phẩm”- chị Mai Ka nói. 

Đáp ứng nhu cầu của NTD, các địa phương, DN đã và đang gia tăng kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm quản lý truy xuất sản phẩm. Đơn cử như ở TPHCM, ngoài tổ chức tập huấn, tuyên truyền về sản xuất, chế biến an toàn cho các cơ sở sản xuất, DN thực phẩm các sở ngành còn thực hiện một số đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Cụ thể, theo Sở KH-CN TPHCM, từ năm 2016 đến nay, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: 3 đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc (thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm) thuộc Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM hay Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố. “Các đề án, chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và 19 tỉnh thành lân cận, góp phần tạo niềm tin của NTD với sản phẩm được gắn mác an toàn”, đại diện của Sở KH-CN TPHCM cho biết.

Cùng với chính quyền TPHCM, các DN bán lẻ đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo mang đến sản phẩm an toàn phục vụ NTD. Điển hình là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, luôn đặc biệt chú trọng đến chất lượng hàng hóa kinh doanh tại siêu thị. Ngay từ khâu lựa chọn nhà cung cấp, Saigon Co.op luôn ưu tiên cho DN sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP.

Kiểm tra nhanh tại siêu thị

Bên cạnh những hoạt động bảo đảm chất lượng sản phẩm, Saigon Co.op có đội ngũ chuyên môn theo sát các quy trình, kiểm nghiệm từng dòng sản phẩm, đồng thời tại mỗi siêu thị sẽ có chuyên viên chất lượng được trang bị những máy móc chuyên dụng để kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, quy cách bảo quản… bảo đảm sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất khi đến với NTD. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc chuỗi Co.opmart của Saigon Co.op, cho biết, để lựa chọn hàng hóa an toàn, phải lựa chọn đơn vị cung ứng uy tín, có thâm niên và siêu thị phải đến khảo sát trực tiếp mới có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc, vùng trồng đến bàn ăn. Riêng nhóm hàng rau VietGAP, yêu cầu giám sát rất khắt khe, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký đồng ruộng từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói…

Hiện, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food vẫn đang áp dụng quy trình đánh giá chất lượng 3 khâu: tại vùng canh tác, tại kho và tại quầy kệ siêu thị. Trong đó, khâu khảo sát đánh giá điều kiện sơ cở sản xuất, sơ chế, đến tận vùng trồng đối với từng nhà cung cấp là khâu tối quan trọng. Theo đó, khâu này thể hiện rõ nhất năng lực và cam kết chất lượng hàng hóa của nhà cung cấp đối với siêu thị nhưng thường bị các đơn vị bỏ qua vì khá tốn kém và mất thời gian.

Tuy nhiên, Saigon Co.op rất chú trọng khâu này, ngoài việc trang bị phòng thí nghiệm quy mô lớn lấy mẫu tại kho, Saigon Co.op là nhà bán lẻ đầu tiên đầu tư xe kiểm nghiệm lưu động để trực tiếp kiểm tra chất lượng nông sản tại vườn không báo trước cho nhà cung cấp với tổng lượng hơn 24.000 mẫu/năm.

Tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... của Saigon Co.op đều trang bị các thiết bị chuyên dụng cho nhân viên kiểm soát chất lượng để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như test kit kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, nhãn mác, ngoại quan... để đảm bảo hàng hóa tươi ngon, an toàn, thông tin đúng quy định.
Chính vì thế, lượt khách hàng đến mua sắm tại các cửa hàng Co.op Food, Co.opmart ngày càng tăng khá cao. Nhóm hàng được khách hàng quan tâm và lựa chọn chủ yếu là thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau củ quả.

Theo đại diện của Co.op Food, nhờ quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt, theo quy chuẩn chung của Saigon Co.op nên đầu ra hàng hóa của Co.op Food luôn bảo đảm chất lượng, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý là nguyên nhân giữ được lượng lớn khách hàng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa toàn hệ thống 


Nhằm đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, duy trì điểm đến mua sắm hàng hóa an toàn cho NTD, Saigon Co.op triển khai tổng kiểm soát 100% hồ sơ pháp lý của nhà cung cấp. Song song đó, rà soát cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, giấy chứng nhận VietGAP Global GAP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với vùng trồng, hộ liên kết và nhà sơ chế, xuất xứ... Nếu có trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện báo cáo đúng quy định sẽ kiên quyết loại trừ. Việc rà soát và báo cáo kết quả phải được thực hiện trước ngày 27-9. 

Về lâu dài, Phòng Quản lý chất lượng là đầu mối phối hợp với các phòng ban thực hiện đánh giá, khảo sát nhà cung cấp định kỳ (ít nhất 1 năm/lần) và đột xuất, ngẫu nhiên liên tục đối với hàng tập trung, thực hiện tập trung và theo mẫu đối với hàng hóa nhạy cảm, đảm bảo phát hiện vi phạm, nếu có. Ngoài ra, đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống cần thực hiện thêm khảo sát kiểm tra trực tiếp tại vùng trồng. Tuyệt đối không nhận khi hàng có dấu hiệu trộn lẫn xuất xứ nguồn gốc, tiêu chuẩn công bố giả mạo, khác với thỏa thuận trên hợp đồng.

Tin cùng chuyên mục