Diễn ra trong bối cảnh quan hệ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bắt đầu cuộc gặp trực tiếp vào lúc 10 giờ 20 phút giờ địa phương (17 giờ 20 phút giờ Việt Nam ngày 16-7). Cuộc gặp là cơ hội lớn để giải tỏa mâu thuẫn đôi bên.
Thẳng thắn và hữu ích
Trong buổi họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi kết thúc buổi hội đàm riêng và buổi làm việc với các cố vấn, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc đối thoại với người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã diễn ra thẳng thắn và hữu ích.
Về vấn đề bầu cử tổng thống Mỹ, ông Putin nói Tổng thống Donald Trump đã nêu vấn đề này trong cuộc họp và ông khẳng định rằng nhà nước Nga chưa bao giờ can thiệp và sẽ không can thiệp vấn đề nội bộ của Mỹ, trong đó có tiến trình bầu cử.
Tổng thống Putin đánh giá cao các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Mỹ trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Putin cũng nêu ra những khác biệt trong quan điểm của Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề Iran. Thừa nhận quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn, cuộc gặp này phản ánh mong muốn của hai nước sớm khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau.
Liên quan đến vấn đề Syria, Tổng thống Putin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận làm thế nào để giúp những người tị nạn hồi hương và làm thế nào để Nga và Mỹ có sự liên hệ chặt chẽ trong các hoạt động ở Syria. Tổng thống Putin cho rằng đã đến lúc nối lại những mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập một nhóm cấp cao, với nhiệm vụ kết nối giới lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp của Nga và Mỹ.
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Donald Trump cho rằng quan hệ hai bên đã có sự cải thiện sau buổi hội đàm. Bất đồng giữa hai nước đều đã rõ và hai bên đã có cuộc thảo luận trong khoảng thời gian dài. Để giải quyết các vấn đề quốc tế, hai nước sẽ phải làm việc cùng nhau, Nga và Mỹ vẫn có thể duy trì đối thoại.
Tổng thống Donald Trump khen ngợi việc Nga tổ chức World Cup và một lần nữa công kích cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là thảm họa. Cho rằng Nga và Mỹ đều có lỗi và đều có trách nhiệm đối với quan hệ rạn nứt, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng hai bên sẽ còn gặp nhau trong tương lai và thường xuyên.
Sau cuộc họp báo, hai nhà lãnh đạo đã trả lời câu hỏi của các phóng viên quốc tế về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, vấn đề Syria… Trước đó, sau cuộc hội đàm riêng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có buổi làm việc với các cố vấn.
Hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau 2 lần bên lề các hội nghị quốc tế và có ít nhất 8 cuộc điện đàm. Lần gần nhất hai bên gặp nhau khi cùng dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng tháng 11-2017. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này mới là lần đầu tiên 2 bên chính thức gặp nhau kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức cách đây một năm rưỡi và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ năm 2009.
Châu Âu quan ngại
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Helsinki. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai ngoại trưởng kể từ khi ông Pompeo được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ.
Dư luận cho rằng với tình hình phức tạp như hiện nay, việc lãnh đạo Nga-Mỹ có thể ngồi lại với nhau là tiến bộ lớn nhất mà hai bên đạt được. Trước đó, cả Nga và Mỹ đều phủ nhận những kỳ vọng quá lớn về hội nghị, nhấn mạnh chỉ riêng việc nguyên thủ hai nước có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên đã là một thành quả.
Theo cựu Ngoại trưởng Phần Lan Pertti Torstila, đang có những quan ngại, đặc biệt ở châu Âu, về những thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ có thể đạt được và tác động của các thỏa thuận đó với những quốc gia không góp mặt trên bàn đàm phán ở Helsinki.
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm một lần nữa khiến các đồng minh lo ngại khi gọi Liên minh châu Âu (EU) là “kẻ thù” liên quan lĩnh vực thương mại. Đồng minh của Mỹ ở châu Âu lo ngại ông Donald Trump sẽ có những nhượng bộ Nga, nhất là liên quan việc triển khai hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.