Quản lý giá cả tại TPHCM - Không để tình trạng “té nước theo mưa”

Quản lý giá cả tại TPHCM - Không để tình trạng “té nước theo mưa”

Sáng 6-3, chương trình tọa đàm “Nói và làm” do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện tiếp tục bàn sâu về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Quản lý chặt việc kê khai giá

Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, cho biết trong 2 tháng đầu năm đã phát hiện 2.772 vụ vi phạm; phạt 15,1 tỷ đồng. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi diễn biến, tình hình giá cả, hạn chế thấp nhất tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá. Đồng thời kiểm tra việc tuân thủ về các quy định thu đổi ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng thông tin: Những ngày qua, trên địa bàn TP, không chỉ thuốc ngoại mà thuốc nội cũng lần lượt bị các cửa hàng, đại lý nâng giá bán lẻ 5% - 20%. Vì vậy, UBND TP đã giao Sở Y tế TP phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Sài Gòn lập kế hoạch cung ứng đủ thuốc chữa bệnh và giữ giá ổn định những mặt hàng thuốc thiết yếu. Đặc biệt, TPHCM sẽ đưa mặt hàng thuốc tân dược vào bình ổn nhưng chỉ bình ổn được giá thuốc nội vì giá thuốc ngoại nằm ngoài tầm tay của TP. Đồng thời, TP cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng, xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP… để chương trình bình ổn giá căn cơ và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, băn khoăn: Bình ổn giá là cần thiết nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể làm mãi được vì những chính sách của TP không thể tách rời cả nước và cần có những biện pháp dài hơi. “Tôi đồng ý với anh Nghĩa rằng cần phải có chiến lược dài hạn nhưng không thể nói bình ổn là trợ giá mà đó là TP tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng hàng hóa, kêu gọi tất cả các thành phần kinh tế tham gia”, bà Hồng khẳng định ngay. Vị “chủ công” của chương trình bình ổn giá TPHCM nhấn mạnh: “Tôi đang chỉ đạo quyết liệt việc đăng ký giá, kê khai giá. Tất cả các DN kinh doanh mặt hàng, dịch vụ quan trọng, thiết yếu đều phải đăng ký giá với Sở Tài chính và thực hiện đúng theo giá đã khai. TP xử phạt nặng những nơi nào tăng giá vô tội vạ, té nước theo mưa”.

Ổn định sản xuất: Yếu tố quyết định

TPHCM mở rộng bình ổn thêm mặt hàng thủy sản. (Ảnh chụp tại chợ Bến Thành). Ảnh: Đ.THÀNH
TPHCM mở rộng bình ổn thêm mặt hàng thủy sản. (Ảnh chụp tại chợ Bến Thành). Ảnh: Đ.THÀNH

Lo ngại về ảnh hưởng của “bão giá” đến đời sống công nhân, ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế có ý kiến: “Để Nghị quyết 11 phát huy hiệu quả cao nhất, không thể bỏ qua đối tượng công nhân, lao động”. Ông Dưỡng đặt vấn đề: “Người dân nghèo có hộ khẩu TP đã được trợ giá điện còn đối tượng trên (công nhân - PV) thì hỗ trợ cách nào? Việc giải quyết vốn vay cho các DN vừa và nhỏ sẽ thực hiện ra sao?”. Theo ông Dưỡng, ổn định sản xuất quyết định cho tất cả những vấn đề khác. Đồng tình, Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng nói: “Qua những lần tiếp xúc với DN, tôi rất băn khoăn làm sao DN có thể tồn tại khi toàn bộ giá đầu vào đều tăng, lãi suất thì cao? Duy trì sản xuất trong tình hình hiện nay rất khó”.

Trước những quan ngại trên, thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết: Ngoài hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn, hiện tại TP cũng có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa. “Xin mời các DN đến đây. Quỹ bảo lãnh sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các DN. Sắp tới TP tiếp tục triển khai các chương trình tiếp xúc, lắng nghe ý kiến các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay vướng mắc của họ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Về nhóm giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động nghèo, ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH, cho biết: Vào cuối năm 2010, hầu hết các nhà trọ đã tăng giá. Đến thời điểm này, các nhà trọ lại rục rịch tăng giá tiếp nên chi phí nhà trọ là một gánh nặng cho công nhân. Sở đang cùng chính quyền các quận, huyện vận động chủ nhà trọ thực hiện giãn, chậm tăng giá thuê nhà, đồng thời làm tốt công tác hỗ trợ giá điện cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Bổ sung, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX TPHCM - thông tin: “Chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới, lên lịch bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn đến người dân các vùng sâu vùng xa, công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp. Dự kiến, năm nay sẽ có 400 chuyến bán hàng như vậy”. Ông Trương Trọng Nghĩa góp ý thêm: Về lâu dài vẫn phải ổn định tình hình sản xuất kinh doanh; đặc biệt tiết kiệm trong đầu tư, chi tiêu ở khu vực công. Trước đây, lãng phí trong khu vực hành chính công rất nhiều và các đại biểu HĐND TP cũng đã có ý kiến khá nhiều lần về vấn đề này. Ngoài ra, cần có chính sách kịp thời, hợp lý giúp các DN nhỏ và vừa vượt qua khó khăn. Đồng thời kêu gọi toàn dân TP tiết kiệm tiêu dùng, không mua sắm hàng xa xỉ…

TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì vậy, việc thực hiện thành công Nghị quyết 11 của TP sẽ góp phần vào thành công chung của cả nước. Từ sáng kiến chương trình bình ổn giá trong những năm qua, TP sẽ tiếp tục triển khai làm tốt công tác này nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư, làm tốt công tác cải cách hành chính. HĐND TP cùng MTTQ, các đoàn thể sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 11 trên địa bàn TP… Với những giải pháp cụ thể trên khi được triển khai thực hiện đồng bộ việc ứng phó với lạm phát tại TPHCM sẽ đạt được những kết quả nhất định.


Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục