Quản lý hoạt động vận tải còn lỏng lẻo ở nhiều địa phương

Thanh tra Bộ GTVT vừa báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả kiểm tra cho thấy, các địa phương còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Hoạt động quản lý vận tải ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo
Hoạt động quản lý vận tải ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo

Theo kết quả kiểm tra, một số sở GTVT cấp giấy phép chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Người điều hành vận tải chưa đáp ứng điều kiện; tiêu chuẩn, quy định về bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông trong hồ sơ xin cấp phép còn chung chung.

Đặc biệt, nhiều địa phương còn tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải không nộp giấy phép và phù hiệu, biển hiệu kèm theo nhưng chưa có biện pháp quyết liệt thu hồi; tỷ lệ nộp phù hiệu, biển hiệu bị thu hồi do trong tháng có vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km xe chạy hoặc do thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải còn thấp, trung bình đạt khoảng 60%.

Nhiều sở GTVT chưa thường xuyên truy cập, khai thác sử dụng các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình (hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục), chưa tra cứu dữ liệu camera trên máy chủ của các đơn vị kinh doanh vận tải để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; chưa xử lý vi phạm về thời gian lái xe liên tục, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình...

Trong thời gian dài, đa số các sở GTVT chưa có biện pháp xử lý những đơn vị kinh doanh vận chuyển khách (hợp đồng, du lịch) không cung cấp nội dung tối thiểu hợp đồng vận chuyển. Các địa phương chủ yếu chỉ dừng ở việc tiếp nhận, chưa rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nội dung thông báo.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, hiện nhiều doanh nghiệp chưa thường xuyên truy cập, theo dõi, khai thác, dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát lắp trên xe ô tô để cảnh báo, nhắc nhở, xử lý vi phạm đối với lái xe.

Nhiều đơn vị kinh doanh theo loại hình xe hợp đồng không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển tới sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng; không thực hiện đúng quy định về đón, trả khách tại trụ sở chính hoặc tại một địa điểm cố định; không cấp giấy vận tải cho lái xe; không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các sở GTVT chưa hiệu quả.

Thanh tra Bộ GTVT đánh giá, các tồn tại nêu trên có một phần nguyên nhân là nhân sự làm công tác tham mưu, quản lý vận tải tại nhiều sở còn rất mỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải.

Một số quy định chưa chặt chẽ, khó thực hiện như: không quy định về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe vi phạm tốc độ dẫn đến tình trạng đơn vị vận tải xin cấp lại phù hiệu ngay sau khi nộp, làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm tốc độ lái xe.

Việc tổng hợp, thông báo số liệu vi phạm hàng tháng về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe liên tục, truyền dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam còn chậm dẫn đến việc chậm ban hành quyết định thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ của sở GTVT.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan xử lý theo quy định đối với các đề xuất; kiến nghị của các sở GTVT, các đoàn kiểm tra liên quan công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành phù hợp thực tế, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Tin cùng chuyên mục