Theo ThS. BS. Huỳnh Thị Thu Thảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, việc nuôi cấy phôi là một quá trình quan trọng có tính quyết định thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng sau khi được thụ tinh và phát triển thành phôi được nuôi trong tủ nuôi cấy cho tới giai đoạn đông phôi hoặc chuyển phôi (2-6 ngày).
Cho tới nay, sự phát triển về công nghệ của các tủ nuôi cấy phôi đã trải qua 3 giai đoạn cơ bản, từ tủ nuôi cấy lớn một cửa, đến tủ nuôi cấy nhiều ngăn và cải tiến gần nhất là tủ nuôi cấy nhiều ngăn tích hợp hệ thống kính hiển vi soi ngược và camera (công nghệ Time-lapse).
Nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse, mỗi phôi sẽ được nuôi cấy riêng biệt và được camera ghi nhận hình ảnh phôi ở các giai đoạn phôi phân chia.
Dữ liệu hình ảnh phôi này sẽ được truyền vào máy vi tính. Vì vậy, chuyên viên phôi học có thể đánh giá chất lượng phôi dựa vào hình thái cũng như động học của phôi mà không cần phải lấy phôi ra ngoài, quá trình nuôi cấy phôi sẽ không bị gián đoạn, môi trường nuôi cấy phôi sẽ ổn định nhất so với việc nuôi cấy phôi thông thường.
Bên cạnh đó, thông tin của mỗi phôi sẽ chi tiết hơn, giúp các chuyên viên phôi học chọn lựa đúng phôi có khả năng làm tổ cao nhất. Phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã ra đời, giúp việc đánh giá phôi được nhanh hơn và khách quan hơn.
“Sau khi lắp đặt hệ thống tủ nuôi cấy công nghệ Time-lapse, chúng tôi đã áp dụng cho 40 ca thụ tinh trong ống nghiệm và thu được nhiều kết quả tốt, tỉ lệ có thai khi chọn phôi chuyển kết hợp hình thái và động học phôi là 56,25% (9/16 ca chuyển phôi)”, ThS. BS. Huỳnh Thị Thu Thảo cho hay.