Quảng Bình: Thêm 10 loài mới của thế kỷ XXI trong hang Sơn Đoòng và vùng phụ cận

Báo cáo khoa học đa dạng sinh học tại hang động Sơn Đoòng và vùng phụ cận có mặt của 10 loài mới công bố trong thế kỷ XXI, 13 loài chưa định danh chính xác và có thể là những loài mới cho khoa học.

Ngày 23-6, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, một nhóm các nhà khoa học từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Địa Lý, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam đã công bố báo cáo khoa học đa dạng sinh học tại hang động Sơn Đoòng và vùng phụ cận với nhiều loài mới chấn động.

Đặc biệt, về ngành chân khớp hình nhện ghi nhận 80 loài, 37 giống, 22 họ, 5 bộ (Araneae, Scorpiones, Pseudoscorpiones, Opiliones và Schizomida). Trong tổng số 80 loài đã ghi nhận được đã có 57 loài đã xác định được tên khoa học, ghi nhận được sự có mặt của 10 loài mới công bố trong thế kỷ XXI, 13 loài chưa định danh chính xác và có thể là những loài mới cho khoa học.

Về sinh cảnh, ghi nhận 20 loài phân bố ở hang Én, 49 loài phân bố ở hang Sơn Đoòng, 35 loài phân bố ở vùng sáng (vùng cửa hang), 22 loài phân bố ở hố sụt (hố sụt - rừng trong hang Sơn Đoòng), 23 loài phân bố trong vùng tối và đặc biệt đã ghi nhận 23 loài đặc hữu ở khu vực nghiên cứu.

Loài Pholcus, loài nhện mới cho khoa học phát hiện ở hang Én. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền
Loài Pholcus, loài nhện mới cho khoa học phát hiện ở hang Én. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Mục tiêu của nghiên cứu là khái quát được sự đa dạng của hệ thực vật, côn trùng và động vật chân khớp tại hệ thống hang động Sơn Đoòng và phụ cận thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Kết quả các nhà khoa học đã cập nhật danh lục thực vật cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gồm 3.027 loài, 1.006 chi, 189 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Theo đó, đã bổ sung cho Vườn quốc gia 632 loài, 123 chi và 18 họ. Các nghiên cứu tại khu vực Sơn Đòng và phụ cận đã thu được 194 loài, bổ sung cho Vườn quốc gia 174 loài, đặc biệt, đã ghi nhận bổ sung 2 loài thực vật cho Việt Nam là một loài khổ diệp và họ đậu đồng thời có 4 mẫu nghi ngờ là loài mới đang xác minh thêm.

Loài nhện Pinelema huoyan Zhao, phát hiện ở hang Nước Nứt, gần Hang Sơn Đoòng, đặc hữu Việt Nam. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền
Loài nhện Pinelema huoyan Zhao, phát hiện ở hang Nước Nứt, gần Hang Sơn Đoòng, đặc hữu Việt Nam. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Về côn trùng, tổng số 203 loài côn trùng đã ghi nhận được ở khu vực Hang động Sơn Đoòng và phụ cận; trong đó có 144 loài bướm, 8 loài ngài, 51 loài cánh cứng chân chạy, 1 loài Dế lạc đà. Kết quả này bổ sung 12 loài bướm, 8 loài ngài, 51 loài cánh cứng cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nâng tổng số loài bướm ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lên 407 loài (271 loài bướm). Các loài đặc trưng cho hang Sơn Đoòng là loài Châu chấu lạc đà, các loài cánh cứng chân chạy Amphimenes sp. và Itamus sp. và Metacolpodes sp. Ghi nhận 2 loài bướm đặc hữu Việt Nam, là Celaenorrhinus incestusCelaenorrhinus kuznetsovi (họ Hesperiidae).

Một số hình ảnh động vật chân khớp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Một số hình ảnh động vật chân khớp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Các nhà khoa học đánh giá, trong quá trình điều tra trong hang Sơn Đoòng đã thu thập được các mẫu vật của loài Dế lạc đà, đây là loài côn trùng duy nhất bắt gặp phía trong hang động Sơn Đoòng. Cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích hình thái và sinh học phân tử để xác định tên loài. Có thể đây là loài mới cho khoa học, loài đặc hữu ở hang Sơn Đoòng.

Đối với với 13 loài chân khớp hình nhện đặc hữu chưa xác định được tên khoa học một cách chính xác, nhóm nghiên cứu kết luận sơ bộ đó có thể xác định là những là loài mới cho khoa học, là những loài đặc trưng với môi trường hang động bởi sơ bộ xác định rằng chúng có cơ thể khác biệt so với các loài đã biết để thích nghi với môi trường sống trong bóng tối. Đây có thể cũng là những loài đặc hữu cho khu vực nghiên cứu. Một số loài bọ cạp và nhện được tìm thấy không có mắt hoặc số mắt giảm đi so với các loài sống bên ngoài hang động. Hầu hết những loài này có màu sắc cơ thể nhạt hơn rất nhiều so với các loài sống bên ngoài hang động.

Loài bướm phân bố hẹp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Loài bướm phân bố hẹp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Bên cạnh đó, khu hệ động vật chân khớp hình nhện trong Hang Sơn Đoòng có những đặc trưng, khác biệt so với các hang động khác. Do sự hình thành các hố sụt tạo nên khu rừng trong hang động, rất nhiều loài chân khớp hình nhện (22 loài) sống ở trong các sinh cảnh rừng cũng được ghi nhận ở đây. Đó là điều chưa bao giờ bắt gặp ở các hang động khác. Trong quá trình phân tích mẫu, nhóm nghiên cứu thấy một số cá thể chân khớp hình nhện trong hang có hình thái ít nhiều khác biệt so với các cá thể sống trong rừng, ví dụ kích thước chân bò dài hơn , màu sắc cơ thể nhạt hơn. Như vậy, điều kiện môi trường khác biệt trong hang đã tạo ra một số những biến đổi nhỏ để thích nghi đối với nhóm loài chân khớp hình nhện.

Một số loài thực vật bổ sung cho hệ thực vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền
Một số loài thực vật bổ sung cho hệ thực vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: Nhóm nghiên cứu giữ bản quyền

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, phát hiện mới về các loài động thực vật ở Sơn Đòng và vùng phụ cận cho thấy hệ giá trị đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng là ngoại hạng mà càng khám phá càng có nhiều cái mới.

Các tác giả là các nhà khoa học về nghiên cứu bảo tồn Vũ Văn Liên, Phạm Đình Sắc, Vũ Anh Tài, Đỗ Văn Trường, Bùi Văn Hướng, Nguyễn Đức Hiệp, Vũ Thị Thu Hiền từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Địa Lý, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam. Nghiên cứu được đặt trong khuôn khổ Đề tài Nhà nước thuộc Chương trình 562 “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”.

Tin cùng chuyên mục