Quảng Bình: Xuất hiện nhiều đàn khỉ mốc quý hiếm

Ngày 15-9, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng nhóm giữ voọc gáy trắng cộng đồng tại xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết hiện xuất hiện thêm 2 đàn khỉ mốc quý hiếm gần khu dân cư vùng núi Thiết Sơn.

Ông Tú cho hay, qua theo dõi, điều tra từng cá thể, thì 2 đàn khỉ mốc này gồm một đàn lớn 21 cá thể và một đàn khác 16 cá thể. Chúng có phân tầng xã hội trong mỗi đàn với vai trò của từng cá thể rất rõ ràng về canh giữ lãnh địa. Đặc biệt, do khu vực bảo tồn voọc gáy trắng ở xã Thạch Hóa, Đồng Hóa được bảo vệ tốt nên các đàn khỉ mốc không sợ người.

Theo ông Tú, sở dĩ các đàn khỉ mốc mỗi ngày mỗi đông và kéo về Khu bảo tồn voọc gáy trắng là do nơi này an toàn, thức ăn dồi dào, không bị đe dọa bởi nạn săn bắn trộm.

Đàn khỉ mốc gần khu dân cư. Ảnh: THANH TÚ

Đàn khỉ mốc gần khu dân cư. Ảnh: THANH TÚ

Khỉ mốc có tên khoa học Macaca assamensis, thuộc bộ khỉ hầu, là động vật thuộc nhóm IIB, nhóm động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chúng khá dạn người. Ảnh: THANH TÚ

Chúng khá dạn người. Ảnh: THANH TÚ

Khu bảo tồn voọc gáy trắng tại 2 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa được UBND tỉnh Quảng Bình thu hồi từ nhiều mỏ đá để quy hoạch thành rừng đặc dụng với diện tích hơn 500ha.

Sự xuất hiện đàn khỉ mốc làm cho khu vực thêm phong phú loài. Ảnh: THANH TÚ

Sự xuất hiện đàn khỉ mốc làm cho khu vực thêm phong phú loài. Ảnh: THANH TÚ

Năm 2010, từ vài con voọc gáy trắng đầu tiên sống trên núi đá vôi gần khu dân cư được người dân phát hiện, đến nay voọc gáy trắng đã được cộng đồng quản lý, bảo tồn chặt chẽ và phát triển hàng năm. Hiện, có ít nhất 22 đàn voọc gáy trắng với 156 cá thể chủ yếu sinh sống tại 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa.

Voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, Đồng Hóa. Ảnh: MINH PHONG

Voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, Đồng Hóa. Ảnh: MINH PHONG

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, trong thời gian qua, UBND huyện đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học khu vực quy hoạch rừng đặc dụng thuộc huyện Tuyên Hóa. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để việc bảo vệ đàn voọc tốt hơn.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn loài, mở rộng diện tích quy hoạch rừng đặc dụng để bảo vệ voọc và khỉ cùng các loài động vật khác trên địa bàn", ông Dũng cho biết.

Voọc gáy trắng nay đã có 22 đàn với 156 cá thể. Ảnh: MINH PHONG

Voọc gáy trắng nay đã có 22 đàn với 156 cá thể. Ảnh: MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục