Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã

Sáng nay, 19-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã.
Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã

(SGGPO).- Sáng nay, 19-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã. 

Đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp nhất trí cao về sự cần phải ban hành luật. Lưu ý đến bản chất và đặc thù hoạt động của Hợp tác xã, đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) đề nghị dự Luật phải đảm bảo cả hai yếu tố: sự tập hợp, gắn kết giữa các thành viên và hiệu quả kinh doanh. Ông Đinh Huy Chiến cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay chưa nên hạ tỷ lệ vốn góp của một thành viên xuống không quá 20% số vốn của Hợp tác xã.

Có cùng quan điểm này, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) yêu cầu làm rõ căn cứ để đưa ra quy định mức vốn góp không vượt quá 20%. Ban soạn thảo cũng có lý giải, nhưng không đủ sức thuyết phục. Tỷ lệ góp vốn nhiều hay ít thì theo Điều lệ của Hợp tác xã, thành viên đó cũng chỉ có một phiếu trong đại hội thành viên khi quyết định các vấn đề quan trọng.

Về tài sản không chia, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành quy định Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã cần phải có tài sản không chia để đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cần xác định rõ tài sản không chia được hình thành từ nguồn vốn nào. Việc đánh đồng mọi tài sản không chia của Hợp tác xã không khuyến khích được các thành viên góp vốn hoặc để lại lợi nhuận giúp Hợp tác xã tích lũy, phát triển sản xuất kinh doanh.

Quy định Chính phủ hướng dẫn việc Hợp tác xã cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài cộng đồng thành viên được các đại biểu Đinh Thị Phương Khanh, Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc)… cho rằng chỉ cần nêu một số nguyên tắc trong điều lệ của Hợp tác xã và để Hội đồng thành viên quyết định là đủ.

Đại biểu Hồ Thị Thủy. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Hồ Thị Thủy. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho biết, trên thực tế tuy đã có nhiều quy định dành ưu đãi cho các Hợp tác xã nông nghiệp, nhưng thực chất Hợp tác xã chưa được thụ hưởng. Đơn cử như ở Bình Định, tuy quy định cho vay vốn với Hợp tác xã đã có, nhưng đất của Hợp tác xã được miễn thuế sử dụng đất nên ngân hàng không chấp nhận như tài sản thế chấp để cho vay vốn. Ban soạn thảo dự luật cần đặc biệt quan tâm đến điều này để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp cố tình lách luật để được coi là Hợp tác xã và thụ hưởng những ưu đãi dành cho Hợp tác xã, mặc dù mô hình hoạt động thực chất không như vậy.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) thì cho rằng, để có thể cải thiện kết quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như tỷ lệ đóng góp của Hợp tác xã vào nền kinh tế (tỷ lệ hiện nay còn khá thấp và có xu hướng suy giảm trong 10 năm trở lại đây), rất cần có một cơ quan quản lý nhà nước đối với mô hình này nhằm tăng cường khâu quản lý, giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển các loại hình Hợp tác xã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn, phù hợp với quá trình tái cơ cầu nền kinh tế.

Vẫn theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện, cần có chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực cho Hợp tác xã thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các sáng lập viên, đội ngũ cán bộ quản lý điều hành Hợp tác xã.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện. Ảnh: Minh Điền

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Lê Đắc Lâm khi ông phân tích rằng, Liên minh Hợp tác xã hiện nay là tổ chức hội chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Một số địa phương trao nhiệm vụ quản lý cho Liên minh Hợp tác xã, nhưng như vậy chưa đúng với các quy định pháp luật về hoạt động hội. Ngoài ra, cần có sự quan tâm đến chính sách cho đội ngũ cán bộ làm việc ở hệ thống Liên minh Hợp tác xã, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác; vì hiện nay chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này cón quá thấp.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục