(SGGPO).- Sáng nay, 12-11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết xác nhận ông đã nhận được công văn trả lời của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm vụ Vinashin. Theo tinh thần công văn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa trình Quốc hội thành lập Ủy ban điều tra này.
Công văn nêu rõ: căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Giám sát của Quốc hội, Quy chế hoạt động của Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề của Vinashin đang được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét, trong đó có việc cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra. Sau khi cân nhắc kỹ nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa trình Quốc hội thành lập Ủy ban này.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1-11, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, Vinashin sụp đổ đã để lại món nợ trên dưới 100.000 tỷ đồng, bằng một tỉnh thu nhập 1.000 tỷ đồng/năm phải làm quần quật, không ăn uống, mua sắm gì trong một thế kỷ mới trả nợ được. Ông Thuyết đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, cuối kỳ họp Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ liên quan.
Như vậy, chỉ 10 ngày sau khi có đề xuất của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã thảo luận và có trả lời bằng văn bản cho đại biểu, theo ông Thuyết, như vậy là khẩn trương và đúng pháp luật (theo quy định là trong vòng 30 ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải trả lời đại biểu).
Tại phiên họp Chính phủ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ cũng đã thảo luận về việc làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này. Sau đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã giao các thành viên Chính phủ được phân công chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và thống nhất các nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, bổ sung, làm rõ các vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, trong đó có các vấn đề về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).
Căn cứ vào các văn bản pháp luật và chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Nghị quyết nêu rõ: các thành viên Chính phủ có liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và đề xuất việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân một cách công khai, minh bạch, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trước khi diễn ra Hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ 14, khóa X.
PHAN THẢO
>> Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Giải pháp nào cho những “căn bệnh kinh niên”?