Quốc hội thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015: Đề nghị thông qua ở kỳ họp sau

Trọn ngày 26-10, Quốc hội thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Còn quá nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi luật này. Dự kiến, ít nhất kỳ họp sau Quốc hội mới có thể thông qua.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015: Đề nghị thông qua ở kỳ họp sau

Trọn ngày 26-10, Quốc hội thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Còn quá nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi luật này. Dự kiến, ít nhất kỳ họp sau Quốc hội mới có thể thông qua.

                          Đại biểu Nguyễn Đức Châu (TPHCM) phát biểu tại hội trường Ảnh: LÃ ANH

Vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất

Thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, Ủy ban Tư pháp cho biết BLHS 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành đã phát hiện một số sai sót của Bộ luật, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 và các luật liên quan, trình Quốc hội kỳ họp này Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Bên cạnh lý do đó, hiện nay đã xuất hiện một số loại ma túy mới như chất XLR-11 (có trong cỏ Mỹ) hoặc lá cây Khat… (có chứa chất ma túy Cathinone) nhưng chưa được quy định trong BLHS nên không có căn cứ để xử lý. Mặt khác, trong quá trình tổ chức thi hành, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhận thức khác nhau về việc giám định hàm lượng chất ma túy để xác định khối lượng hoặc thể tích nên gặp khó khăn trong quá trình xử lý một số tội phạm về ma túy, cần phải xem xét, quy định trong bộ luật... Vì vậy, Ủy ban Tư pháp tán thành với các quan điểm sửa đổi, bổ sung dự thảo luật của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện đầy đủ các sai sót của BLHS năm 2015… Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp và ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra đề nghị UBTVQH trình Quốc hội cho phép thông qua dự luật tại 2 kỳ họp. “Rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Trong khi đó, BLHS năm 1999 được Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian dài sau 7 năm chuẩn bị. Nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó bảo đảm chất lượng” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết.

Thảo luận về BLHS 2015, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm cho rằng việc sửa đổi luật này cần được thực hiện triệt để, toàn diện; không quá câu nệ thời gian nhằm đảm bảo tính ổn định của pháp luật và phục vụ tốt công tác phòng, chống tội phạm. “Thông qua dự thảo tại 2 kỳ họp là phù hợp, vì cũng không nên quá cầu toàn, kéo dài mãi việc sửa đổi bộ luật” - ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị luật phải được rà soát thật kỹ, chỉ khi nào thật ổn mới thông qua. ĐB Bùi Văn Xuyên (Thái Bình) nêu quan điểm, đây là lần sửa sai của BLHS 2015, vì vậy sửa luật phải hướng đến mục tiêu cao nhất là phòng ngừa tội phạm.

Cần tăng nặng hình phạt đối với vi phạm pháp luật về môi trường

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với việc cần thiết phải bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại trong dự luật để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền tố tụng. Theo đó 31 tội phạm đối với pháp nhân thương mại không quy định độc lập mà đều thiết kế thành khoản cuối của 31 điều luật quy định về tội phạm do cá nhân thực hiện, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện để quy định tương ứng sang hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Ủy ban Tư pháp cho rằng, cách tính này về cơ bản là có thể chấp nhận được trong điều kiện hiện nay. Theo ĐB Lê Quân (Hà Nội), cần thiết phải bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như dự thảo, nhưng cần rà soát kỹ quy định về pháp nhân thương mại nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu phải hội đủ 4 điều kiện như dự luật thì chỉ xử lý được pháp nhân công khai phạm tội chứ không xử lý được các pháp nhân được thành lập để phạm tội hoặc phạm tội một cách giấu giếm. ĐB cũng đề nghị bổ sung một số loại tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố; cố tình vi phạm an toàn lao động; giải pháp xử lý pháp nhân phạm tội xong thì chuyển đổi chủ sở hữu, sáp nhập…

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) đề nghị tăng nặng hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là hành vi nhập khẩu chất thải, vì khung hình phạt hiện nay chưa đủ tính răn đe. Môi trường hiện nay bị hủy hoại nghiêm trọng, nhân dân rất bức xúc. Nhưng định lượng mức xử phạt đối với tội phạm môi trường hiện nay cao quá, khó xử lý được. Chẳng hạn quy định về số lần xả thải cần phải hạ xuống cho phù hợp với thực tiễn để ngăn ngừa, răn đe. Nếu không, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại và tương lai không thể ngăn ngừa được. ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, vừa qua xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh, lộ ra tội lạm dụng quyền lực, cố ý sử dụng quyền lực để trục lợi.  Đây là hành vi tội phạm nguy hiểm, vì vậy ĐB Thái Trường Giang cho rằng cần nghiên cứu đưa vào BLHS. ĐB Thái Trường Giang cũng đề nghị cần tuyên chiến với tội phạm về vi phạm VSATTP, mức cao nhất hiện nay mới chỉ 20 năm, nhưng cần tăng lên tù chung thân, thậm chí tử hình với những hành vi nghiêm trọng.

Tiếp tục thảo luận để tìm sự thống nhất

Qua một ngày thảo luận, ý kiến các ĐBQH còn rất khác nhau về nhiều vấn đề. Các ý kiến đều cho rằng, cần phải hết sức cẩn trọng với bộ luật này. Qua thảo luận, số điều cần sửa đã lên tới hơn 50%. Đó là lý do mà các ĐBQH cho rằng, toàn bộ nội dung cần tiếp tục lấy ý  kiến các ĐBQH, các đoàn ĐBQH để thông qua ở kỳ họp sau thực sự có chất lượng.

Giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ban đầu, chỉ định sửa 70 điều, rồi qua trao đổi lên 90, 130 điều, khi trình ra thì là 141 điều. Có những điều chưa thống nhất, ra Quốc hội thảo luận càng thấy rõ điều đó. Ngoài 141 điều mà Ban soạn thảo đã trình lần đầu, sau khi tổng hợp từ các bộ ngành, ý kiến các ĐBQH thì đề nghị bổ sung thêm 75 điều. Ví dụ điều 175, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bỏ hay giữ lại “bỏ trốn”, nhiều ý kiến rất khác nhau. Hoặc có những tội tử hình đã đề xuất bỏ đi nhưng nay có nhiều ý kiến đề nghị lấy lại. Hay vấn đề pháp nhân, 119 nước có quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Phải có những tiêu chí để chốt lại phạm vi sửa đổi, cái này do Quốc hội quyết định” - Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là bộ luật rất quan trọng, là công cụ để  phòng chống tội phạm, thực hiện quyền con người, vì thế ĐBQH yêu cầu phải làm thật kỹ, thật chất lượng, khi nào thật ổn mới thông qua. Tuy nhiên, phải có mốc thời gian,  vì thế đồng ý sẽ thông qua tại kỳ họp sau.


PHAN THẢO - BẢO VÂN

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự


Về một số vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, đáng chú ý nổi lên nội dung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cụ thể, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng như tờ trình của Chính phủ. Những trường hợp này sẽ được xử lý bằng các biện pháp giáo dục khác nhằm tạo điều kiện cho tương lai của các em. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tình trạng tội phạm này đang có xu hướng gia tăng… nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe. Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định của BLHS năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng. 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục