Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi: Quản lý nhẹ các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet

Sáng 24-11, Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 468 đại biểu, chiếm 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐB).

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Ông Lê Quang Huy cho biết, về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, có ý kiến đề nghị làm rõ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có phải là một loại hình dịch vụ viễn thông hay không; nếu đúng thì phải đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của các dịch vụ viễn thông truyền thống; nếu không phải thì cần định nghĩa lại để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng và thực thi pháp luật.

Hội trường Diên Hồng, sáng 24-11

Hội trường Diên Hồng, sáng 24-11

Theo Ủy ban Thường vụ (UBTVQH), dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng, sáng 24-11

Quang cảnh hội trường Diên Hồng, sáng 24-11

Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ”.

Doanh nghiệp cung cấp loại dịch vụ này chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ (như tại khoản 2 điều 28 dự thảo luật). Với phân tích nêu trên, UBTVQH thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, dự thảo luật giữ tên gọi này.

Về quỹ dịch vụ viễn thông công ích (điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào quỹ để phù hợp với tình hình thực tế, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tập trung nguồn lực để tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia”, ông Lê Quang Huy nêu rõ.

Về điều khoản thi hành, tiếp thu ý kiến ĐB, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và đề nghị thời gian hiệu lực thi hành đối với các dịch vụ này là từ ngày 1-1-2025 để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật theo hướng không yêu cầu cấp đổi giấy phép.

Tin cùng chuyên mục